SẢN XUẤT RƯỢU VANG TỪ THANH LONG

478 lượt xem

Thu hoạch xong không bán được, không ít nông dân ở Tiền Giang, Bình Thuận, hay Lâm Đồng đã phải đem thanh long, dưa hấu, cà chua đổ bỏ, cho trâu bò ăn hoặc đem ủ phân. Tiếc những trái thanh long bị đổ bỏ, ông Trần Quốc Trọng, một nông dân tại Long An, đã nghiên cứu và chế biến thành công rượu vang từ thanh long. Theo ông, sản phẩm này đã giúp tăng giá trị của sản phẩm lên gấp 3 – 5 lần.

Bắt tay vào nghiên cứu sản xuất rượu vang thanh long từ năm 2011, nhưng thành công chưa đến ngay với Trần Quốc Trọng. “Tuần nào tôi cũng làm rượu, mỗi lần làm theo một công thức khác nhau nhưng kết quả đều thất bại”, ông kể lại.

Giữa năm 2012, giữa lúc tuyệt vọng, ông Trọng may mắn nhận được sự giúp đỡ của từ một số chuyên gia. Thế là sau hơn 3 năm thử nghiệm, sản phẩm vang từ thanh long cũng được hoàn thành như mong muốn.

Sau những mẻ rượu thử nghiệm thành công, năm 2013, Trần Quốc Trọng mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng mua thiết bị máy móc về sản xuất. Ban đầu, cơ sở có gần 100 bồn đang dùng sản xuất rượu, mỗi bồn sau hơn một năm sản xuất có thể cho ra hơn 90 lít rượu thành phẩm. Sau khi chất lượng rượu thanh long đã ổn định, ông Trọng quyết định đầu tư thêm 6,5 tỉ đồng thành lập Công ty TNHH MTV Sản xuất Rượu vang Thanh Long với công suất 40.000 lít. Với mức sản xuất này, dự tính mỗi năm Công ty có thể tiêu thụ hơn 200 tấn thanh long loại trái nhỏ, mẫu mã xấu, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…

“Trung bình 1 lít rượu vang thanh long, tôi dùng 5 kg thanh long tươi. Bán ra thị trường giá khoảng 100.000 – 120.000 đồng/lít. Lợi nhuận sẽ chia lại với các hộ nông dân cùng hợp tác. Còn nếu bán 5kg thanh long tươi đó cho thương lái thì họ chỉ mua với giá 6.000 – 7.000 đồng vì loại này ko đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Trọng chia sẻ.

Trần Quốc Trọng đưa mẻ rượu vang thanh long đầu tiên ra thị trường chỉ gần 8.000 lít, nhưng nhiều khách hàng sau khi dùng thử đã tìm đến đặt mua với tổng nhu cầu khoảng 30.000 lít. Theo ông Trọng, có nhiều khách liên hệ xin làm đại lý nhưng vì còn quá mới nên Công ty vẫn chưa dám nhận đơn hàng nào.

Dù vậy, tương lai của rượu vang thanh long sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa. “Hiện có một công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng rau quả của Úc đã đề nghị làm đối tác xuất khẩu rượu vang thanh long qua nước họ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp ở Trung Đông cũng đặt hàng đến hơn 1 triệu lít/năm, nhưng vì họ yêu cầu giảm độ cồn về còn khoảng 5 – 6 độ nên tôi chưa thể ký kết”, ông Trọng tiết lộ.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, một số công ty nội cũng sắp đầu tư lò sấy thanh long trộn với những trái cây khác để làm mứt… “Hiện Malaysia có diện tích thanh long chỉ vài trăm hecta, nhưng họ đã có bốn loại sản phẩm rượu, nước ép, mứt và sấy. Việt Nam có diện tích thanh long nhiều hơn nhưng chỉ dùng ăn tươi thì quá phí”, bà chia sẻ.

Như vậy, tiềm năng từ việc trồng và chế biến thanh long là rất lớn. Trước tình hình thương lái ép giá, thanh long đổ đống không bán được, thanh long đổ ruộng cho bò ăn… làm người dân hoang mang, lo sợ không dám tiếp tục đầu tư vào trồng thanh long, những bước tiến trong việc chế biến các sản phẩm có giá trị cao từ thanh long sẽ mở ra hướng tiêu thụ mới cho thanh long, giúp tăng giá trị quả thanh long và đem lại niềm tin cũng như lợi nhuận cho người trồng thanh long.

Theo Nguoilaodong (Sfarm.vn tổng hợp)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)