Quýt Bắc Kạn loại quả có múi nổi tiếng được trồng nhiều ở Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Với hương vị thơm ngon, chín vào dịp tết và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cây quýt hiện đang rất được chú ý phát triển. Trồng xen ổi trong vườn quýt có thể hạn chế bệnh vàng lá gân xanh (bệnh greening) và mang lại hiệu quả kinh tế cho người làm vườn.
1. Giống ổi trồng xen
– Sử dụng giống ổi Đài Loan hoặc Đông Dư được nhân giống bằng ghép cành để đúng giống, nhanh cho thu hoạch quả. (giống ổi Đài Loan cho quả to, giá bán cao, thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng).
2. Mật độ, khoảng cách, đào hố và cách trồng
– Mật độ trồng xen ổi trên vườn quýt: 300-600 cây/ha (giữa 2 hàng quýt xen 1 hàng ổi, khoảng cách giữa các cây ổi bằng khoảng cách giữa 2 cây quýt hoặc gấp đôi khoảng cách giữa 2 cây quýt. Khoảng cách giữa 2 cây ổi từ 2,0-2,5m.
– Kích thước hố trồng ổi 50cm x 50cm, bón cho mỗi hố 20-30kg phân hữu cơ (phân trùn quế), lấp đất đầy hố.
– Bóc bỏ túi bọc bầu, đặt cây chính giữa hố, lấp đất kín bầu, dùng que nhỏ cắm nghiêng giữ cây đứng vững, tủ gốc bằng rơm, rạ, cỏ khô. Nếu có điều kiện tưới cho mỗi cây 5-10 lít nước.
– Thời vụ trồng xen ổi tốt nhất vào vụ xuân: tháng 3-4 khi thời tiết đã có mưa, đất ẩm.
3. Chăm sóc
– Cỏ xung quanh gốc cam quýt và ổi thường xuyên phải sạch sẽ, tránh sự tranh chấp dinh dưỡng và là nơi trú ngụ của sâu bệnh.
4. Bón phân
Hàng năm bón cho 1 cây ổi:
- Cây 1-3 tuổi: mỗi năm bón: 10-20 kg phân hữu cơ (phân trùn quế) + 5-6 kg NPK
- Cây 4-6 tuổi: mỗi năm bón: 20-30 kg phân hữu cơ (phân trùn quế) + 8-10 kg NPK
Phân hữu cơ bón vào cuối vụ Đông hoặc đầu vụ Xuân bằng cách đào rãnh xung quanh tán cây sâu 20-25 cm, bón phân, lấp đất. Phân NPK bón thúc trước các đợt lộc Xuân, Hè, Thu bằng cách rắc phân xung quanh tán cây, dùng cuốc xới nhẹ để phân trộn lẫn và tan trong đất.
Cùng với chăm sóc ổi cần tập trung chăm sóc, bón phân cho quýt để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
5. Tỉa cành tạo tán
Khi cây ổi cao 50-60 cm thì tiến hành bấm ngọn để cây ra cành cấp 1, chọn 3-4 cành xung quanh tán cây, nuôi dưỡng cành dài 50-60cm thì tiến hành bấm ngọn, để 2-3 cành cấp 2 trên mỗi cành cấp 1. Khi cành cấp 2 dài 40-50 cm thì tiến hành bấm ngọn để sinh ra cành cấp 3, đây là cấp cành chính tạo quả trên cây. Hàng năm đốn tỉa đến cấp cành này để thu hoạch quả, không được để cành ổi vươn quá dài, khó quản lý quả và tranh chấp ánh sáng, dinh dưỡng với cây quýt.
6.Tỉa quả, bọc quả ổi
Ổi ra nhiều quả nên tỉa bớt quả, mỗi chùm quả chỉ nên để 1 quả. Cần phải bọc quả bằng túi nilon khi quả to bằng đầu ngón tay cái, trước khi bọc quả 1 ngày cần phun thuốc phòng bệnh: Ridomine hoặc Anvil…
7. Phòng trừ sâu bệnh hại
Ổi thường có sâu róm ăn lá có thể phòng trừ bằng phun các loại thuốc trừ sâu thông thường. Ruồi đục quả có thể dùng bả Metyl Egenol hoặc bả Protein để dấn dụ và trừ ruổi đục quả. Bệnh ghẻ có thể sử dụng các lại thuốc có gốc đồng: Oxy clorua đồng, Boocđô hoặc Anvil.
8. Thu hoạch
Khi quả ổi chuyển màu xanh đậm sang xanh nhạt, vỏ mềm, có vị ngọt thì có thể thu hoạch và tiêu thụ trên thị trường. Thu hoạch cả túi nilon bọc quả, nhẹ nhàng, tránh để xây xát quả.
Theo Trường đại học nông lâm Thái Nguyên