Những vùng đất chết sau ảnh hưởng tàn khốc của sóng thần tại Nhật Bản năm 2011 hiện đã hồi sinh và khơi dậy sự sống nhờ áp dụng khả năng phục hồi cánh đồng hệ sinh thái.
Để hồi sinh những cánh đồng lúa ở những khu vực bị tàn phá bởi sóng thần tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức NPO Tambo đã ứng dụng phương pháp canh tác tự nhiên có tên gọi là “fuyumizutambo”, làm giảm tác động của tình trạng nhiễm muối mặn do ảnh hưởng từ sóng thần, nhờ vào cách tận dụng khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Quá trình hạn chế và loại bỏ nhiễm muối mặn giúp khôi phục các cánh đồng lúa được áp dụng ở các khu vực Kesennuma, Shiogama và Minamisanriku ở tỉnh Miyagi và Rikuzentakata ở tỉnh Iwate. Với sự tham gia của các nhà khoa học và đóng góp của 1.200 tình nguyện viên, những cánh đồng được phục hồi và cho phép thu hoạch ngay trong vụ mùa thu năm 2011.
Bên cạnh mục tiêu phục hồi hoạt động nông nghiệp, cải thiện được sự đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên, dự án còn thiết lập một hệ thống kinh tế bền vững mới, với sự ra đời của một doanh nghiệp nông nghiệp tổng hợp trong đó bao gồm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chế biến và phân phối bán lẻ.
Theo trang web của Giải thưởng trong lĩnh vực đa dạng sinh học MIDORI do Quỹ Môi trường AEON tổ chức, bằng các nghiên cứu khoa học và thực hiện giám sát các vấn đề liên quan như chất lượng nước, thành phần đất, đa dạng sinh học, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng những vùng đất nông nghiệp bị tàn phá bới thảm họa thiên tai vẫn có thể hồi sinh và phát triển.
Với những ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực đa dạng sinh học, dự án: “Phục hồi các cánh đồng lúa bị tàn phá bởi động đất và sóng thần bằng cách tận dụng khả năng phục hồi của hệ sinh thái” của tổ chức NPO Tambo đã giành được giải thưởng Grand Pix về môi trường của Nhật Bản năm 2013. Đây là một giải thưởng được tổ chức thường niên tại Nhật Bản nhằm tôn vinh 5 dự án của các tổ chức và cá nhân có những ảnh hưởng và đóng góp nhất định đến các hoạt động đa dạng sinh học trong tương lai.
Ở quy mô quốc tế, giải thưởng trong lĩnh vực đa dạng sinh học có tên gọi là MIDORI nhằm tôn vinh các cá nhân có những đóng góp nổi bật cho công tác bảo tồn và ứng dụng đa dạng sinh học ở cấp độ toàn cầu.
Giải thưởng được trao nhằm mục đích mở động tầm ảnh hưởng mang tính phát triển tích cực của các cá nhân tới các dự án liên quan đến lĩnh vực đa dạng sinh học trên toàn thế giới và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học.
Năm 2012, Giáo sư Võ Quý trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng MIDORI, với những sáng kiến đóng góp cho các chương trình bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Theo VNE (Sfarm.vn tổng hợp)