Để Đà Lạt được mệnh danh là “vương quốc hoa” sau 120 năm kể từ ngày bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin tìm ra TP này là cả một hành trình nhọc nhằn của bao thế hệ. Lịch sử xứ hoa đã ghi nhận những di dân đầu tiên trồng hoa Đà Lạt lập làng Hà Đông (P.8, Đà Lạt) là dân từ sáu làng hoa nổi tiếng quanh hồ Tây (Hà Nội).
Ông Ngô Văn Ngôn (86 tuổi) là người duy nhất của nhóm người đầu tiên từ tỉnh Hà Đông vào Đà Lạt lập làng Hà Đông còn sống. Ngồi giữa làng hoa Hà Đông, ông kể câu chuyện người xưa đã trồng hoa trong giá rét và bốn bề tiếng thú dữ gầm gừ.
Ông Ngô Văn Ngôn trong nhóm người đầu tiên trồng hoa ở Đà Lạt
-
Những nông dân giỏi nhất
Ở tuổi 86 ông Ngôn vẫn còn minh mẫn và nói chuyện rất lưu loát. Ông không thể quên buổi sáng tháng 5-1938 (lúc đó ông còn là cậu bé 12 tuổi). Đó là ngày 35 trai tráng có kinh nghiệm làm nông của sáu làng hoa quanh hồ Tây (Hà Nội): Ngọc Hà, Nghi Tàm, Tây Tựu, Quảng Bá, Xuân Tảo, Vạn Phúc lên đường đến Đà Lạt.
Họ đi trong những giọt nước mắt. Đà Lạt khi đó không nhiều người biết, chỉ đến khi tổng đạo tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu tìm người đưa đến Đà Lạt trồng rau, hoa thì nhiều người mới nghe nói về địa danh Đà Lạt. Và họ lo sợ khi biết vùng đất ấy có sương giá quanh năm, có những lúc nhiệt độ xuống dưới 5OC. Cha ông Ngôn là ông Ngô Văn Ất không dám đưa gia đình đi cùng, chỉ dặn nếu sống được sẽ đoàn tụ tại Đà Lạt. Khoảng một năm sau thì ông Ngô Văn Ngôn gặp lại cha và định cư tại Đà Lạt cho đến nay.
Ông Ngôn nhớ như in ngày thương tá canh nông tỉnh Hà Đông Lê Văn Định đi tuyển người. Ông gọi tất cả thanh niên trai tráng của sáu làng hoa ra sân đình. Ông xem mặt, chân tay. Khi chọn được 35 người ưng ý, ông Định đưa họ đi tham quan những khu vực trồng hoa, trồng rau theo công nghệ châu Âu của người Pháp tại làng hoa Ngọc Hà. Chưa yên lòng, ông Định chọn một khoảnh đất xấu nhất tại Hà Nội và bắt những người đã được chọn thực hành trồng trọt dưới sự giám sát của ông. Và quá trình thực hành chỉ chấm dứt khoảng một năm sau đó khi ông Định chứng kiến thành quả nông nghiệp của những nông dân được tuyển chọn khác biệt với những vườn rau, hoa lúc bấy giờ.
Cho đến giờ ông Ngôn vẫn nhớ lời động viên của tổng đạo tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu: “Nếu thành công, những con người ra đi hôm nay sẽ là những người tạo giá trị mới tại một vùng đất mới”.
Nhóm những người đầu tiên đến Đà Lạt
-
Hoa Pháp ở Đà Lạt
Ông Ngôn kể những người đầu tiên vào Đà Lạt sống vô cùng khó khăn do lạnh và thú dữ đe dọa. Làng Hà Đông ngày đó khoảng 64ha nằm hai bên con đường Dankia (đường Nguyễn Công Trứ bây giờ). Ban ngày, cả làng vừa làm vừa canh chừng cọp beo. Ban đêm không ai dám bước ra khỏi nhà. Ông Ngôn từng dùng đinh ba hạ một con beo lớn trong một đêm tối trời khi nó cào rách tấm cửa gỗ tạm bợ nhà ông ở. Đoàn người đau ốm không dứt vì không quen thổ nhưỡng, trong những căn nhà tập thể, tiếng khóc than ri rỉ làm chùng cả không gian và lòng người xa xứ. Lý do để nhóm người không quay về quê cũ là lòng tự trọng của những người làm nông có tiếng Hà Nội.
Sương giá và thú dữ không làm người tha hương nản chí, nhưng trồng cây tới đâu chết tới đó mới là điều khiến họ lo sợ. Trên chuyến tàu đầu tiên đến Đà Lạt có nguyên một toa giống các loại rau có nguồn gốc châu Âu do người Pháp mang đến Hà Nội như khoai tây, súp lơ, tỏi tây, đậu Hà Lan, dâu tây, bắp cải… và các loại hoa như hồng, cúc, trà mi, lài, sói… Nhưng sau gần hai năm trồng không thành công, số giống cây gần như sạch sẽ. Lương thực chở từ Hà Nội vào cũng sắp cạn. Gia đình ông Ngôn bàn với mọi người trong làng và quyết định đánh cược với số giống còn lại. Ông kể: “Cả làng thống nhất thay đổi cách trồng cây, bỏ tất cả thói quen cũ. Thay vì vội vàng tưới nước mỗi sáng sớm để rửa sương giá bám trên cây rau, thì đốt lửa sưởi ấm cho cây suốt đêm và chờ nắng lên mới bắt đầu tưới nước. Mẹo nhỏ mà thành, từ đó những vườn rau, hoa xanh mướt phủ khắp ấp Hà Đông. Cuối năm 1940, những giống cây có nguồn gốc từ Pháp mang đến Đà Lạt vào năm 1938 đã đâm chồi bất chấp sương giá”.
-
Thành công
Ký ức của ông Ngôn vẫn còn y nguyên niềm vui khi bán lứa rau đầu tiên của làng cho người Pháp để rồi sau đó họ tin tưởng, chỉ cần xuống giống họ đã tìm đến mua. Rau của làng Hà Đông ngày đó theo chân người Pháp đi khắp nơi, về Sài Gòn và sang các nước Đông Dương. Người trong làng cũng tổ chức bán hàng đi Ninh Thuận, Nha Trang. Công việc làm rau tiến triển tốt đến mức mỗi năm một lần làng gửi tiền và lo lộ phí cho một người uy tín về Hà Nội mua nguyên một toa tàu chở giống có nguồn gốc từ Pháp vào Đà Lạt.
Người làng Hà Đông ngày đó có duyên với trồng trọt. Họ là những người trồng rau giỏi nhất và cũng là những người đầu tiên trồng những giống hoa của Pháp thành công trên mảnh đất Đà Lạt. Sự thành công trong khởi nghiệp trồng hoa, rau và đặt nền móng để những nhóm dân di cư sau đó tiếp tục trồng, mở rộng diện tích liên tục để từ những năm 1940 đến nay, nông nghiệp thành kinh tế chính của Đà Lạt. Và điều này đã mang đến cho làng Hà Đông vinh dự lớn: năm 1945, 16 nông dân của làng có công lớn xây dựng làng Hà Đông đã được triều đình Huế ban thưởng sắc phong tòng cửu phẩm văn giai. Trong đó có ông Nguyễn Phượng Toàn là người trồng dâu tây thành công ở Đà Lạt, và ông Ngô Văn Ất là người có công hướng dẫn nông dân trồng rau thành công trong sương giá.
Những năm 1930, người Pháp sinh sống ở Đà Lạt ngày càng nhiều, rất đông lính Pháp được đưa đến Đà Lạt dưỡng thương sau những trận chiến, nhu cầu dùng rau ngày càng tăng. Trong khi đó, Đà Lạt lúc bấy giờ chưa có nghề trồng rau. Nguồn rau người Pháp dùng chủ yếu chuyển từ Hà Nội vào. Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý nảy ra ý định phát triển nghề trồng rau, hoa. Là người am hiểu về nước Pháp, ông Lý cho rằng không có lý do gì không tiến hành trồng rau, hoa vì Đà Lạt không khác nhiều với Pháp, cả khí hậu lẫn đất đai. Ông nghĩ đến những làng hoa nổi tiếng phía Bắc và ông đề xuất sự giúp đỡ của tổng đạo tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu để thực hiện ý tưởng của mình.
(Nguồn: Những cứ liệu còn lưu tại Nhà truyền thống làng hoa Hà Đông, P.8, Đà Lạt)
Theo báo Tuổi Trẻ (Sfarm.vn tổng hợp)