Đối với cây trồng, phân bón là một phần quan trọng không thể thiếu cho quá trình sinh trưởng phát triển. Chúng ta nghe rất nhiều về việc sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, nhưng chính xác thì phân bón hữu cơ là gì? và nó có lợi ích gì cho khu vườn của bạn. Hãy cùng Sfarm Đặng Gia Trang theo dõi bài viết dưới đây để nắm được những thông tin hữu ích về phân hữu cơ bạn nhé!
Phân bón hữu cơ
Phân Hữu Cơ là loại phân bón chứa hoàn toàn nguyên liệu hữu cơ, thân thiện với môi trường. Giúp tạo nên sự phì nhiêu của đất canh tác và nhiều lợi ích khác, chẳng hạn như
- Tăng sức đề kháng và vững bền cho cây trồng để chúng nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh.
- Bảo đảm cho cây trồng và bạn sống trong môi trường an toàn, không bị nhiễm độc.
- Bảo vệ tài nguyên của đất, cân bằng hệ sinh thái môi trường nói chung và hệ sinh thái đất nói riêng.
- Thúc đẩy việc xử lý các phế phẩm hữu cơ đang tồn đọng gây ô nhiễm môi trường trở thành phân bón hữu ích.
Phân loại phân bón hữu cơ theo quy trình sản xuất
Phân bón hữu cơ truyền thống
Phân gia súc, gia cầm/phân chuồng
Đặc điểm: là chất thải hay còn gọi là phân của trâu, bò lợn, gà, dê, cừu,… Trong nông nghiệp thì nông dân Việt Nam thường tự ủ phân chuồng theo kiểu truyền thống và kinh nghiệm. Hầu hết các hộ nông dân sử dụng phân chuồng này rất nhiều. Phân chuồng có chứa các chất dinh dưỡng: khoáng đa trung vi lượng, cung cấp chất mùn giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất, ổn định kết cấu tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, hạn chế hạn hán, xói mòn. Với các nông trại, vườn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học lâu năm thì việc cung cấp cho đất một lượng phân hữu cơ như loại phân chuồng này là rất tốt cho việc cải tạo đất.
Ưu điểm:
- Chứa dinh dưỡng khoáng đa – trung – vi lượng cung cấp cho cây trồng và đất.
- Đây là nguồn dinh dưỡng giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp, ổn định kế cấu đất tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, hạn chế xói mòn và hạn hán.
Nhược điểm:
- Hàm lượng dinh dưỡng thấp.
- Nếu không xử lý đúng kỹ thuật sẽ tìm ẩn các mầm bệnh ảnh hưởng đến cây trồng và thậm chí là sức khỏe người sử dụng.
Rác thải sinh hoạt
Đặc điểm: là phân hữu cơ được chế biến từ cỏ dại, rác, thân lá cây xanh, rơm rạ… Được ủ với một số phân men như phân chuồng, lân, vôi… đến khi hoai mục thành phân.
Ưu điểm: Tăng độ tơi xốp, ổn định kết cấu đất, hạn chế xói mòn và chống hạn cho cây trồng.
Nhược điểm: Hàm lượng dinh dưỡng thấp, cách chế biến phức tạp trong thời gian dài. Có thể mang những mầm bệnh hoặc hạt cỏ dại sẵn có trong nguồn nguyên liệu nếu không được xử lý đúng kỹ thuật. Loại phân từ rác thải sinh hoạt thì cũng cho hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn phân chuồng.
Phân xanh
Đặc điểm: phân xanh là phân hữu cơ sử dụng các loại cây lá tươi bón ngay vào đất, không qua quá trình ủ nên chỉ dùng để bón lót. Các loại cây dùng để làm phân xanh thường là cây họ đậu như điền thanh, muồng, keo dậu, cỏ Stylo, điên điển…Trong canh tác nông nghiệp như cây cà phê chẳng hạn, khi tới những mùa làm cỏ thì nông dân cũng sẽ cào sạch cỏ và rải lại dưới rốc cây để cỏ hoai mục cũng như làm mát rễ, giữ ẩm mùa nắng. Tương tự thì bạn cũng có thể áp dụng cho vườn của mình để đất thêm tươi tốt nhé.
Ưu điểm: Bảo vệ, cải tạo đất đai và hạn chế xói mòn.
Nhược điểm: Tác dụng chậm và chỉ dùng để bón lót. Ngoài ra còn gây phát thải khí nhà kính.
Than bùn
Than bùn là lớp trầm tích xác thực vật được ủ vi sinh lâu ngày. Ở nơi có khi hậu nhiệt đới, đặc biệt là những vùng đất thấp ven biển, vùng trũng ngập nước và những vùng đa dạng thảm thực vật. Luôn có sự tích lũy những tàn dư thực vật bị vùi lấp và sự suy thoái, tác động của các vi sinh vật yếm khí ở bề mặt lớp trầm tích. Từ quá trình xảy ra tự nhiên trong quá trình cấu tạo địa chất từ đó mà hình thành nên lớp than bùn. Nó tơi xốp, giàu đạm, humic, fulvic là chất cải tạo đất và bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng lý tưởng.
Ưu điểm: Than bùn có công dụng tốt trong việc bón cải tạo, tăng độ phì nhiêu cũng như hữu cơ cho đất.
Nhược điểm: Hàm lượng dinh dưỡng thấp, quá trình chế biến phức tạp nên phải bón với khối lượng lớn vừa tốn công tốn sức vừa tốn chi phí.
Phân trùn quế
Phân trùn quế là phân hữu cơ vi sinh được tạo thành từ chất thải hữu cơ (phân bò, heo, phân gà, rơm rạ, lá cây…) qua hệ thống tiêu hóa của con trùn và hệ vi sinh vật cộng sinh cho ra phân trùn quế. Hơn hết, phân trùn quế là loại phân hữu cơ được đánh giá là tốt nhất hiện nay.
Sử dụng: Phân bón hữu cơ vi sinh được sản xuất ở dạng bột hoặc dạng lỏng; có thể phun lên lá hoặc bón gốc. Các loại phân hữu cơ vi sinh hiện nay như phân trùn quế Sfarm,…
Ưu điểm:
- Hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chứa đầy đủ dinh dưỡng đa – trung – vi lượng.
- Chứa các acid hữu cơ, IAA,… giúp tăng độ màu mở, tơi xốp của đất trồng.
- Chứa hệ vi sinh vật đa dạng giúp chuyển đổi các dinh dưỡng khó hấp thụ thành dạng dễ hấp thụ.
- Tăng sức đề kháng cho cây trồng trước các mầm bệnh và tác nhân bất lợi của môi trường.
- An toàn cho cây trồng, con người và sinh vật có ích.
Phân bón hữu cơ chế biến theo quy trình công nghiệp
Là những loại phân bón hữu cơ được chế biến từ các chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau theo quy trình công nghiệp với khối lượng lớn. Được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra loại phân bón có chất lượng tốt hơn, đầy đủ dưỡng chất so với nguyên liệu đầu vào và các loại phân bón hữu cơ truyền thống.
Phân bón vi sinh
Phân vi sinh là chế phẩm phân bón được sản xuất bằng cách dùng các loại vi sinh vật hữu ích cấy vào môi trường là chất hữu cơ (như bột than bùn). Khi bón cho đất các chủng loại vi sinh vật sẽ phát huy vai trò của nó như phân giải chất dinh dưỡng khó tiêu thành dễ tiêu cho cây hấp thụ hoặc hút đạm tự nhiên để bổ sung cho đất và cây.
Các loại phân vi sinh trên thị trường:
- Phân vi sinh cố định đạm: phân vi sinh cố định đạm, sống cộng sinh với cây họ đậu: Nitragin, Rhidafo,…; phân vi sinh cố định đạm, sống tự do: Azotobacterin…
- Phân vi sinh phân giải lân: Nhiều loại phân vi sinh phân giải lân khác có tính năng tác dụng giống như nhau.
- Phân vi sinh phân giải chất xơ: Chứa các chủng vi sinh tăng cường phân giải xác, bã thực vật..
Ngoài ra, trên thị trường còn có những loại phân khác với tên thương phẩm khác nhau nhưng tính năng tác dụng thì cũng giống như các loại phân kể trên.
Nhược điểm: Chỉ phù hợp với một số loại cây trồng nhất định và cần bổ sung phân hữu cơ làm thức ăn cho vi sinh vật.
Cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh: Thời gian sử dụng phân có hạn, tùy loại thường từ 1 – 6 tháng (chú ý xem thời hạn sử dụng). Phân vi sinh phát huy hiệu lực ở vùng đất mới, đất phèn, những vùng đất bị thoái hóa mất kết cấu do bón phân hóa học lâu ngày, vùng chưa trồng các cây có vi khuẩn cộng sinh… thì mới có hiệu quả cao.
Phân bón hữu cơ sinh học
Là loại phân có nguồn gốc hữu cơ được sản xuất bằng công nghệ sinh học (như lên men vi sinh) và phối trộn thêm một số hoạt chất khác để làm tăng độ hữu hiệu của phân. Hoặc khi bón vào đất sẽ tạo môi trường cho các quá trình sinh học trong đất diễn ra thuận lợi góp phần làm tăng năng suất cây trồng.
Ưu điểm:
- Dùng được trong tất cả các giai đoạn của cây trồng: bón lót, bón thúc, bón nuôi hoa, quả,…
- Cung cấp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng khoáng cần thiết cho cây trồng.
- Bổ sung các loại acid hữu cơ, hệ vi sinh vật đa dạng … giúp cải tạo đất.
- Giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Sử dụng: phân sinh hóa hữu cơ được sản xuất ở dạng bột hoặc dạng lỏng; có thể phun lên lá hoặc bón gốc. Các loại phân sinh hóa hữu cơ hiện nay được sản xuất theo hướng chuyên dùng.
Phân bón hữu cơ vi sinh
Đặc điểm: Là phân bón chế biến theo quy trình công nghiệp từ nhiều nguồn nguyên liệu hữu cơ khác nhau, được xử lý lên men với từ một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có lợi, chứa các bào tử sống. Có thành phần hàm lượng các chất hữu cơ trên 15%.
Ưu điểm:
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng khoáng, đa, trung và vi lượng cho cây trồng.
- Giúp cải tạo độ phì nhiêu và tơi xốp của đất.
- Cung cấp hệ vi sinh vật đa dạng giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành dạng dễ hấp thụ và tăng sức đề kháng cho cây trồng.
- Không gây ô nhiễm môi trường, không độc hại với con người và sinh vật có ích.
Nhược điểm: Chứa hàm lượng hữu cơ thấp hơn phân hữu cơ sinh học.
Phân bón hữu cơ khoáng
Là phân bón phân hữu cơ, được phối trộn thêm các nguyên tố khoáng vô cơ gồm N,P,K. Có chứa trên 15% thành phần là các chất hữu cơ, từ 8-18% tổng số các chất vô cơ (hóa học, N+P+K).
Ưu điểm: Có hàm lượng các chất dinh dưỡng khoáng cao.
Nhược điểm: Sử dụng lâu ngày sẽ không tốt cho đất.
Xem thêm: Kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả
Công dụng của phân bón hữu cơ
Dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng
Phân hữu cơ chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu cơ phong phú như axit humic, vitamin, auxin, chất kháng sinh và các hợp chất phân tử nhỏ của nitơ và phốt pho hữu cơ. Việc bón hữu cơ không chỉ làm tăng sản lượng cây trồng trong vụ hiện tại mà nhìn chung nếu sau năm vẫn thấy hiệu quả nhờ tác dụng của phân bón là chậm và kéo dài. Vì vậy phân hữu cơ là loại phân bón toàn diện nhất cho canh tác nông nghiệp.
Cải thiện tính chất lý hóa của đất và nâng cao độ phì nhiêu của đất
Phân chứa nhiều chất hữu cơ, hàm lượng chung khoảng 200g/kg. Chất hữu cơ là cơ sở vật chất quan trọng tạo nên độ phì nhiêu của đất. Ngoài ra, Chất mùn do phân hữu cơ tạo thành thông qua quá trình mùn hóa có tác dụng cải tạo tính chất lý hóa của đất. Nó có lợi cho việc cải thiện các tính chất vật lý và hóa học của đất và cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Thúc đẩy các hoạt động của vi sinh vật trong đất
Hệ vi sinh vật đất đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất hữu cơ và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đo mức độ phì nhiêu của đất. Với đất có mức độ phì nhiêu cao là nền tảng cho việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mang lại hiệu quả cao, giảm được chi phí sử dụng phân bón để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây trồng. Do vậy mà bón phân hữu cơ ngoài việc làm tăng số lượng và quần thể vi sinh vật có ích trong đất, mặt khác tạo điều kiện môi trường tốt cho hoạt động của vi sinh vật đất và tăng cường đáng kể hoạt động của vi sinh vật đất.
Duy trì và thúc đẩy sự cân bằng dinh dưỡng của đất
Các chất dinh dưỡng khác nhau được thực vật lấy từ đất có thể được trả lại đất dưới dạng tàn dư thực vật bằng cách bón phân. Mức độ hoàn trả chủ yếu phụ thuộc vào việc các nguồn phân hữu cơ khác nhau có được tích lũy đầy đủ, và bón hợp lý hay không. Cân bằng tỷ lệ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vô cơ cũng là cân bằng dinh dưỡng, sức khỏe của đất.
Giảm chi phí đầu vào phân bón
Có nguồn gốc đa dạng, giá thành phải chăng. Bón thêm phân hữu cơ không chỉ cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng chất dinh dưỡng cho đất mà còn tăng hiệu quả phân giải phân hóa học, giảm lượng phân bón hóa học, từ đó giảm chi phí đầu vào nông nghiệp. Do vậy, phân bón hữu cơ là bài toán rất kinh tế cho nông dân.
Không gây ô nhiễm môi trường
Các chất có gốc muối sufat, clo, nitrat… có trong phân hóa học khi kết hợp với các ion tự do trong đất sẽ tạo thành các axit làm đất bị chua, khi các chất độc này ngấm xuống nước sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Ngược lại, phân hữu cơ làm tăng kết cấu cửa đất, giúp đất trở thành một bộ máy lọc thông minh, lọc các chất độc có trong đất, làm giảm tính độc của chúng, giúp bảo vệ môi trường, an toàn cho con người.
Nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe
Bón hữu cơ không gây tồn dư các hóa chất độc hại, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm. Từ đó tạo ra những thực phẩm sạch an toàn cho sức khỏe của gia đình và cộng đồng.
Nên dùng phân hữu cơ hay phân hóa học
Nông dân Việt Nam hay các nước trên thế giới cũng đều rất ưu tiên bón phân hóa học để cho hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, phân bón hữu cơ sẽ luôn là giải pháp rất tuyệt vời để nhà vườn sử dụng cho cây trồng, nhằm tăng hiệu quả cây hấp thụ các loại phân bón hóa học cũng như cải tạo đất. Theo hướng canh tác nông nghiệp bền vững thì nhà nông vẫn nên ưu tiên sử dụng thêm phân hữu cơ nhé.
Ngoài ra, phân hữu cơ là lựa chọn tối ưu nhất cho những trang trại nông sản xuất khẩu, xin các tiêu chuẩn chứng nhận VIETGAP, GLOBALGAP, chứng nhận hữu cơ,…
Xem thêm bài viết so sánh phân hữu cơ và phân bón hóa học để canh tác nông nghiệp được hiệu quả hơn nhé.
Hy vọng bài viết của Sfarm sẽ giúp bạn hiểu hơn về phân bón hữu cơ nhé. Đừng quên để lại comment nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bài viết cũng như các loại vật tư nông nghiệp và cây trồng khác nhé.