ĐỂ ĐU ĐỦ NHIỀU TRÁI VÀ NGON

212 lượt xem

Đu đủ gồm nhiều giống, mỗi giống đều có 3 loại hình sinh sản đực, cái và lưỡng tính. Trong vườn, nếu trồng đại trà cây này thì nên để lại một vài cây đực (tỉ lệ 1/25-1/30 so với các loại hình còn lại) để có giao phấn chéo nhờ côn trùng, quả sai hơn so với tự thụ phấn.

Nên trồng nơi đất cao, dễ thoát nước khi tưới phun đẫm hoặc sau cơn mưa rào bởi đu đủ là cây có bộ rễ “ăn nổi” hiếu khí. Đu đủ là cây dễ chết nếu bị úng kéo dài từ 3 – 4 ngày trở lên. Song nếu gặp hạn kéo dài vài ba tuần trở lên thì lụi ngọn, hoa héo, quả quắt queo, chất lượng giảm sút.

dudu1-phantrunque

Ưa dãi nắng nên khoảng cách gốc – gốc với đu đủ cần tối thiểu là 3m để tránh cạnh tranh sinh tồn do “cây chạm lá, rễ chạm rễ”. Trồng theo hàng cần đắp ụ và khơi rãnh xuôi theo địa hình, nước sẽ ngấm lên bóng tán nhờ thẩm thấu (mao dẫn) giúp bộ rễ “vừa ăn vừa thở” dễ dàng, khỏe mạnh giúp cây bốc, kháng sâu bệnh tốt.

Không nên dùng phân hóa học (kỵ nhất là đạm) để bón cho đu đủ vì gây lốp (tốt lá xấu quả), hấp dẫn dịch hại và còn gây ngộ độc cho người và động vật, nhất là khi bị cớm do nồng độ và hàm lượng đạm tự do (NO3- tự do) tăng vọt, vừa là món “khoái khẩu” cho sâu bệnh, vừa dễ chuyển hóa thành chất gây ung thư cho người và động vật (vị đắng chát).

Nếu cây cao quá 2m, cần chặt ngọn, trát bùn rơm và bọc nilon (ngày xưa các cụ ta úp nồi đất) để tích chồi mới phát sinh, chọn 3-4 chồi khoẻ theo các hướng xa nhau để cho 3-4 ngọn mới, bồi dục cho đất nền bằng bùn khô + phân chuồng hoai mục, phân trùn quế mỗi gốc 30-40kg thì tin chắc rằng sẽ kéo dài “tuổi xuân” cho cây đặc sản nhiệt đới này thêm 2-3 năm tiếp.

Theo NTNN

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết