Giun quế có những đặc tính gì? Chia sẻ từ chuyên gia

610 lượt xem

Loài giun quế còn gọi là giun mồi câu hay giun đỏ. Chúng có hàm lượng đạm rất cao. Theo nhiều tài liệu, trong cơ thể chúng, đạm chiếm tới 70% trọng lượng khô. Có lẽ vì vậy mà thịt của giun quế trở thành loại mồi câu hấp dẫn.

cau-tao-giun-dat

Chúng thường ẩn náu dưới các hòn gạch, hòn đá, các miếng gỗ hoặc ngay dưới các lớp phân, rãnh nước cạnh các chuồng lợn hoặc chuồng trâu. Chúng có thân hình nhỏ, dài khoảng 10 – 15cm, thân mảnh như que đan len và có màu nâu tím, ánh bạc.

Chúng rất năng động, chui luồn rất nhanh. Hai đầu nhọn, thân hơi hẹp. Nếu đếm kỹ ta thấy nó có tới 120 đốt. Phía gần đầu có một cái đai. Người ta gọi đó là đai sinh dục. Đai này nằm từ đoạn đốt thứ 18 đến đốt thứ 22.

Giun quế là loài giun đất ăn phân. Chúng có thể hoàn toàn sống trong phân mà không cần một tý đất nào. Trong những năm qua, chúng tôi đã theo dõi và khẳng định rằng, nuôi chúng trong môi trường toàn phân là tốt nhất. Chúng thích ăn nhất là phân của các loại gia súc như trâu, bò, ngựa.

Phân lợn chúng cũng ăn nhưng không hấp dẫn bằng các loại phân trên. Phân gà công nghiệp cũng có thể dùng để nuôi chúng nhưng phân gà nuôi thông thường thì không nên vì hàm lượng phân lân có trong phân gà ta quá cao. Ngoài ra, các phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá, các loại cây không độc, không có tinh dầu cũng có thể ủ cho giun ăn. Giun quế là loài ăn tạp. Tuy nhiên, thức ăn chính của chúng vẫn là phân gia súc.

Giun quế sinh sản rất nhanh. Trong điều kiện thuận lợi, chúng tăng theo cấp số nhân. Tuy cơ thể chúng không lớn nhưng số lượng lại nhiều nên sinh khối tạo ra rất đáng kể. Vì vậy, nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và các loài thủy sản là rất hợp lý.

Trong những năm qua, chúng tôi đã dồn nhiều công sức để quảng bá việc nuôi của giun quế cho nhân dân trong cả nước. Tuy vậy, nhiều vùng quê, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa việc chuyển tải thông tin gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc phổ biến kỹ thuật nuôi giun quế cho nhân dân là rất bổ ích và cần làm ngay.

Đặc điểm giun quế như một cái ống có 2 lớp: lớp ngoài là thành cơ và lớp trong là ruột.

Giữa 2 lớp có chứa một dịch lỏng gọi là dịch thể xoang. Lớp cơ lại có 2 lớp: lớp cơ vòng và lớp cơ dọc.

Hai lớp cơ này hoạt động nhịp nhàng, giúp giun bò rất nhanh. Lớp bên trong của giun hoàn toàn là ống tiêu hóa.

Thức ăn sẽ qua miệng, qua hầu rồi xuống thực quản, đi tiếp qua diều, qua mề rồi xuống ruột. Cuối cùng, chúng sẽ bị đẩy ra hậu môn.

Cả cơ thể giun là một ống tiêu hóa. Trong ống tiêu hóa này chứa đầy các hệ vi sinh vật cần thiết.

Bản thân con giun không đủ sức chuyển hóa trực tiếp các chất hữu cơ thành năng lượng. Chính các hệ vi sinh vật có trong ống tiêu hóa của chúng đã đảm nhận công việc này.

Giun không có phổi. Nó hô hấp qua da. Nếu da bị khô là giun chết. Vì vậy, giun luôn luôn sống ở những nơi ẩm ướt.

Nếu phải đi lại trên mặt đất thì chúng cũng phải chờ quá nửa đêm – khi sương xuống mới dám bò lên. Vào những hôm mưa rào, ta cũng thấy giun ngoi lên mặt đất.

Vì sao vậy? Chắc rằng, bùn nhão đã bám chặt quanh cơ thể của chúng, cản trở sự hô hấp nên nó phải tháo chạy. Đây đã thành một bản năng. Vì vậy, khi nuôi giun phải tránh để mưa xối vào luống nuôi. Hệ thần kinh của giun chưa phát triển nhiều.

Tuy nhiên, các tế bào thụ cảm cũng giúp chúng nhận biết ánh sáng, nhiệt độ, áp suất khí quyển và những dấu hiệu của thời tiết. Nó không có mắt, mũi, tai nên ta các tế bào thụ cảm nằm rải rác trên cơ thể phải làm thay. Chúng “đoán” thời tiết rất giỏi.

Hễ sắp có giông bão, là họ nhà giun ngoi lên mặt đất và bỏ chạy tán loạn. Người nuôi giun phải dè chừng trường hợp này để chủ động ngăn chặn.

Khả năng “ngửi” của giun kém. Tuy nhiên, chúng cũng phân biệt được các loại thức ăn khác nhau.

Trong một luống nuôi, giun cũng có thể tìm tới những chỗ thức ăn ngon hơn. Chúng tôi đã tiến hành nhiều thí nghiệm và nhận ra rằng, chỉ cần 4 tiếng đồng hồ (trong điều kiện tối và ẩm) giun sẽ tập kết đến những chỗ có thức ăn mà chúng cho là ngon nhất.

Giun là loài lưỡng tính. Trên mỗi con giun đều có cả bộ phận sinh dục đực (tinh hoàn) và bộ phận sinh dục cái (buồng trứng).

Rất tiếc tạo hóa lại “quên” không bố trí cho chúng một ống dẫn giữa yếu tố đực tới yếu tố cái. Vì vậy các “của quý” không tới gặp được nhau.

Do đó, muốn sinh sản, giun phải quấn lấy nhau. Khi đó, yếu tố đực của con này sẽ chuyển sang yếu tố cái của con kia và ngược lại.

Chúng ta quan sát sẽ thấy từ đốt 18 tới đốt 22 của giun quế có một đai. Người ta
gọi đó là đai sinh dục. Đai sinh dục có màu nhạt hơn cơ thể. Chúng hình thành khi giun trưởng thành.

Ở các đốt thứ 6, thứ 7 và thứ 8 có 3 đôi lỗ nhận tinh mở ra ở mặt bụng. Còn ở đốt thứ 18 thì có 2 lỗ nhận đực.

Rõ ràng, các bộ phận đực, cái lại nằm xa nhau. Tuy nhiên, chúng đều nằm ở nửa đầu của cơ thể. Các tế bào đực hình thành trong 2 cặp tinh hoàn (hình bầu dục, màu vàng nhạt) và thông với túi chứa tinh.

Sau khi thành thục, tế bào đực sẽ đi qua phễu dẫn tinh để tới 2 lỗ đực.

Trong tự nhiên, chờ tới khi sương đêm xuống, giun mới bò lên mặt đất để đi tìm nhau.

Chúng tiến sát tới nhau theo hướng ngược chiều, con này gối lên con kia, bụng sát bụng. Lúc này, cả 2 đều tiết ra dịch nhày để hỗ trợ cho việc “yêu nhau”.

Con nào cũng hoạt động như một con đực. Chúng co cơ thể để tiết tinh dịch và đẩy tinh dịch vào túi nhận tinh của con kia. Khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng từ từ tách ra khỏi nhau.

Tinh trùng sẽ nằm trong túi nhận tinh mà không được thụ tinh ngay. Vì sao vậy? Vì rằng, ở giun trứng lại chín chậm hơn vài ngày so với sự thành thục của tinh trùng.

Dịch nhày tiết ra tạo thành một vòng. Khi vòng nhày bong ra, nó sẽ tuột nên phía trước. Lúc đi qua lỗ cái, nó sẽ nhận một ít trứng chín. Còn lúc đi qua cặp túi nhận tinh, nó sẽ nhận tinh trùng mà “đối phương” đã “gửi” từ trước đó. Sự thụ tinh sẽ xảy ra ngay trên vòng nhày.

Vòng nhày tuột tiếp nên phía trước và rơi ra ngoài. Lúc này, nó tự thắt hai đầu lại để thành kén. Kén có màu nâu và chuyển dần thành màu nâu sẫm. Khi sắp nở, nó lại chuyển thành màu xám đen có hình ô van. Mỗi kén có từ 1 – 20 trứng (trung bình là 7 trứng).

Sau 2 – 3 tuần, giun non tự cắn thủng kén để ra ngoài. Chúng nhỏ xíu, chỉ dài khoảng từ 6 – 10mm. Chúng hoạt động ngay, ăn rất khỏe. Chỉ sau tháng rưỡi đến 2 tháng là đai sinh dục bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, chúng chỉ thực sự thành thục sau 3 – 4 tháng.

Giun đẻ rất khỏe. Thông thường, mỗi tuần đẻ một lần và 3 tuần sau kén nở, 3 tháng sau thành giun trưởng thành.

Chúng tăng đàn theo cấp số nhân! Khi nuôi, ta ngạc nhiên vì tốc độ tăng đàn phi thường này. Đây cũng là tính ưu việt của giun quế.

Rõ ràng từ đặc điểm này mà từ phân trâu, bò, phân gia súc ta có thể tạo ra vô vàn giun quế – nguồn đạm động vật quý giá để cung cấp cho các loài vật nuôi trong gia đình. Đây là điều mà nông dân nào cũng cần lưu tâm.

Sfarm.vn tổng hợp

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Trung tâm SHTN HN)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (2 bình chọn)