Kỹ thuật trồng cà tím trong chậu cực sai quả

2023 lượt xem

Cà tím là một loại rau ăn quả cực kỳ phổ biến ở Việt Nam. Cà tím là một loại rau quả có giá trị dinh dưỡng dồi dào, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt ít calo và được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Do đó mà việc trồng cà tím cho vườn nhà là một sở thích thú vị của nhiều nông dân phố. Vậy cách trồng cà tím như thế nào? Cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1/ Đặc điểm của cây cà tím

– Là loại cây thân thảo cùng họ với cà chua, khoai tây, ớt, thuốc lá,…

– Cà tím có chiều cao trung bình từ 50 – 150cm. Quả cà tím thuộc loại quả mọng, mềm bên trong, nhiều cùi thịt và hạt nhỏ. Có nhiều loại cà tím, từ quả tròn, quả hình dái dê, đến quả thuôn dài khoảng 20cm, đều có vỏ màu tím.

2/ Thời vụ

Cà tím có thể trồng quanh năm, nhưng để cây cho năng suất cao nhất thì nên trồng vào 2 vụ sau:

Vụ Đông Xuân: Từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau

Vụ Hè Thu: Từ tháng 4 đến tháng 7

Lưu ý: Miền Nam không nên trồng vào các tháng mùa mưa (tháng 5, tháng 6). Miền Bắc không nên trồng vào các tháng 12, tháng 1 vì thời gian này lạnh, dễ bị sâu đục quả gây hại.

3/ Chuẩn bị nguyên liệu

Dụng cụ trồng

Khay ươm, ly nhựa, lon bia, hộp sữa,… để làm bầu ươm.

Đất trồng

– Đất trồng cà tím phải tơi xốp, giàu mùn hữu cơ, dễ thoát nước, sạch mầm bệnh. Bạn có thể tự trộn theo công thức sau: 30% đất thịt : 30% phân trùn quế : 20% mụn dừa : 15% trấu hun : 5% Trichoderma.

– Nay tiện lợi hơn, bạn có thể dùng đất sạch hữu cơ SFARM chuyên dùng cho rau ăn củ quả, đất đã phối trộn phân trùn quế, phân gà, mụn dừa, trấu hun, vôi,… và hệ vsv bản địa lợi hại hơn cả nấm Trichoderma.

Đất hữu cơ Sfarm

Đất sạch trồng rau ăn quả SFARM

Chọn giống cà tím

– Có 2 cách trồng cà tím. Cách 1 là tự gieo từ hạt giống và cách 2 là mua cây con về trồng.

– Nếu bạn mua cây giống thì nên chọn những cây cao, tán lá to, không bị thủng lá, đọt non đang phát triển, màu sắc tươi tắn. Nếu bạn ươm hạt thì tiến hành như sau:

+ Chọn mua hạt giống chất lượng, có bao bì nhãn mác, là giống kháng bệnh thì tỉ lệ cây khỏe mạnh sẽ cao hơn.

+ Ngâm hạt giống trong nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) khoảng 24h để vỏ hạt cà mềm hơn, tăng tỉ lệ nảy mầm.

+ Vớt hạt giống ra cho vào khăn vải ẩm khoảng 8h cho hạt nứt nanh thì đem gieo.

+ Cho đất đã chuẩn bị vào các khay ươm, ly nhựa, hộp giấy.

+ Gieo hạt giống vào khay, mỗi hốc 2 hạt, sau đó phủ một lớp đất mỏng lên bề mặt hạt.

+ Tưới phun sương cho hạt ngày 2 lần.

+ Sau khoảng 3 tuần ươm, cây con đã có thể xuất vườn.

4/ Kỹ thuật trồng

– Cho đất đã chuẩn bị vào chậu nhựa, thùng xốp, túi PE cao khoảng 20 – 25cm, rộng từ 30 – 40cm.

– Chọn những cây con có 5 – 6 lá thật, cao 6 – 8cm, khỏe mạnh, thân mập đều là có thể trồng ra chậu lớn.

– Trồng một chậu 1 cây, khoảng cách giữa các chậu khoảng 70cm. Có thể đặt xen vào khoảng trống bằng những chậu rau gia vị như hành, tỏi, húng quế,…

5/ Chăm sóc & thu hoạch

– Tưới nước

Ngày tưới nước 2 lần <9h sáng và <5h chiều. Nếu ngày mưa thì nên giảm lượng nước tưới.

– Cắm cọc

Tùy vào cách chăm sóc và độ màu mỡ của đất mà cà tím có thể cho thời gian thu hoạch rất dài, do đó bạn nên cắm chà để cho cây cà đứng vững, trái không chạm đất, dễ dàng chăm sóc, thu hoạch.

– Tỉa cành

Cà tím rất dễ bị các bệnh truyền nhiễm, khảm virus do đó cần thường xuyên tỉa bỏ những nhánh gốc, lá già, cành sâu bệnh.

– Bón phân

Tùy vào loại đất trồng bạn chọn mà lượng phân có thể tăng hoặc giảm. Nếu trồng đất sạch SFARM thì sau khoảng 40 ngày trồng thì mới bắt đầu bón phân. Nếu trồng đất thường thì có thể thể bón như sau:

+ Phân trùn quế: 0,3 – 0,5kg/gốc

+ Phân dơi: 0,3 – 0,5kg/gốc

+ Đạm cá: 0,2l/gốc (tỷ lệ pha: 0,1l đạm nguyên chất/10 lít nước sạch)

+ Dịch chuối: 0,2l/gốc (tỷ lệ pha: 1l dịch nguyên chất/10 lít nước sạch)

Các loại phân trên đều là phân hữu cơ, do đó bạn có thể bón 1 lần/tuần và có thể bón kết hợp hoặc luân phiên. Đối với phân bột thì nên bón vùi, đối với phân loãng thì nên tưới vào sáng sớm.

– Sâu bệnh

+ Cà tím thường bị một số sâu bệnh như sau: Sâu đất, tuyến trùng, sâu xanh, sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rầy xanh, nhện đỏ, phấn trắng, sương mai, khảm virus, héo xanh,…

+ Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên bạn cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như: sử dụng giống kháng sâu bệnh, dọn sạch tàn dư thực vật trước khi trồng và đảm bảo mật độ trồng phù hợp. Cắt tỉa thường xuyên để vườn luôn thông thoáng, đặc biệt, không luân canh cà tím với những cây cùng họ như: cà chua, ớt, cà pháo,…

+ 7 – 10 ngày thì tiến hành phun chế phẩm trừ sâu bệnh như: dịch tỏi ớt, nano thảo dược,…

– Thu hoạch

+ Cà tím sẽ cho thu hoạch sau khoảng 2 tháng trồng. Khoảng thời gian cho thu quả của cà tím tương đối dài. Có thể thu xuyên suốt từ 7 – 8 tháng nếu được chăm sóc tốt.

+ Thu hoạch khi quả từ tím đậm chuyển sang tím nhạt, bóng và căng. Thu quả sớm, tránh để già, khiến hạt cứng, chất lượng quả giảm và cây cũng bị mất sức.

Lưu ý khi chế biến cà tím

– Không nên bỏ vỏ cà, ăn luôn vỏ sẽ giúp cung cấp thêm vitamin B, C

– Cà tím có tính hàn, nên khi nấu cho vài lát gừng

– Nếu bị tiêu chảy, huyết áp thấp thì hạn chế dùng

Vậy là Đặng Gia Trang đã chia sẻ hết những kiến thức cũng như cách trồng cây cà tím. Bắt tay vào trồng ngay vài cây cho vườn nhà bạn nhé!

Sfarm.vn

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết