Cây hoa sứ: Ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc từ chuyên gia

1685 lượt xem

Hoa sứ là loại cây kiểng có giá trị cao tượng trưng cho quyền quý, tài lộc. Thú chơi hoa sứ kiểng luôn là niềm đam mê đối với nhiều người yêu hoa. Trong các bước chăm sóc để có một chậu hoa sứ đẹp thì bước cắt tỉa được xem là giai đoạn quan trọng nhất. Tuy nhiên không phải người trồng nào cũng biết kỹ thuật cắt tỉa cây hoa sứ đúng cách. Vậy nên qua bài viết dưới đây, Đặng Gia Trang sẽ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa sứ đẹp như ý. Bạn hãy cùng theo dõi nhé!

1/ Ý nghĩa của cây hoa sứ

Trong phong thủy, hoa sứ mang ý nghĩa thịnh vượng và phát đạt. Đặc biệt vào dịp tết đến xuân về, trong nhà có cây hoa sứ đẹp nở rộ thì gia chủ càng ấm no hạnh phúc, tài vận đến nhà.

2/ Đặc điểm của cây hoa sứ

Hoa sứ hay còn gọi là sứ sa mạc, hoa hồng của sa mạc có tên khoa học là Adenium obesum. Hoa sứ có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của miền nam Châu Phi và bán đảo Ả Rập. Hiện nay có 8 phân loài của chi Adenium được trồng phổ biến ở nước ta.

Chi Adenium nói chung có đặc điểm là cây bụi, thân mọng nước. Lá đơn, mọc thành vòng xen kẽ, thường tập trung ở đầu cành. Hoa có 2 phần lá ống hoa và cánh hoa. Màu sắc hoa rất đa dạng và độc đáo, các màu phổ biến là màu hồng, đỏ, trắng, hồng sọc đỏ, trắng sọc hồng,..

3/ Điều kiện ngoại cảnh của cây hoa sứ

Cây hoa sứ cần nhiều nắng, chịu được nhiệt độ tối thiểu 10 độ C. Cũng như tên gọi sứ sa mạc, hoa sứ có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện thiếu nước. Dù được du nhập và thuần dưỡng từ lâu nhưng hoa sứ vẫn mang đặc tính không chịu quá nhiều nước, rễ và củ rễ bị thối nếu cây bị dư nước.

4/ 9 loại hoa sứ thường gặp

4.1 Hoa sứ Adenium Obesum

Hoa sứ Adenium Obesum là giống sứ phổ biến nhất. Thân cây mọc thẳng với chiều cao từ 1 – 4 mét. Phần gốc phình to, các nhánh thon dài dần về phía ngọn. Lá cây có phần nhọn về phía đuôi, xếp hình xoắn ốc và tập trung chủ yếu ở đầu cành.

Hoa sứ Adenium Obesum thường nở rộ vào mùa hè từ tháng 3 hằng năm, kéo dài đến tháng 12. Bên trong ống hoa có màu vàng nhạt, cánh hoa có viền màu hồng đậm hoặc đỏ đậm nổi bật.

Hoa Su Thai (4)

4.2 Hoa sứ Adenium Multiflorum

Hoa sứ Adenium Multiflorum là giống sứ có thân hình mảnh mai, cây cao từ 2 – 3m. Hoa thường có màu trắng sọc đỏ mang vẻ quý phái với mùi nhẹ nhàng, thanh khiết. Thời gian hoa nở trong năm ngắn, từ tháng 5 đến tháng 9.

4.3 Hoa sứ Adenium Swazicum

Hoa sứ Adenium Swazicum là giống sứ có thể chịu được điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt. Cây cao trung bình dưới 1m, thân nhỏ và cành mềm. Giống này có nhiều màu từ hồng đậm, đỏ, hồng nhạt, tím nhạt,..

4.4 Hoa Sứ Adenium Somalense

Hoa sứ Adenium Somalense có kích thước cao lớn, cây có thể cao từ 4 – 6m. Hoa có màu hồng, hồng đậm, cánh hoa lớn và đặc biệt là không có nhụy. Giống này không được trồng phổ biến ở nước ta.

4.5 Hoa sứ Adenium Crispum

Cây Hoa Sứ Adenium Crispum là giống sứ lùn, thân cao không quá 50 cm, thích hợp trồng chậu để bàn. Hoa có màu hồng sọc đỏ rất độc đáo tuy nhiên lại không được trồng phổ biến vì không chịu được thời tiết lạnh.

4.6 Hoa sứ Adenium Boehmianum

Hoa sứ Adenium Boehmianum có thời gian sinh trưởng lâu hơn các giống khác, mất khoảng thời gian dài từ lúc trưởng thành đến khi cây ra hoa. Hoa sứ Adenium Boehmianum có 5 cánh, cánh hoa màu hồng phấn, lòng hoa màu hồng đậm tạo điểm nhấn.

4.7 Hoa sứ Adenium Oleifolium

Hoa sứ Adenium Oleifolium cũng là giống sứ cây tương đối nhỏ, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn các loài khác. Hoa có viền màu hồng, phần trong cánh hoa màu vàng, cánh hoa đẹp, thuôn dài và nhọn ở phần đầu.

4.8 Hoa sứ Adenium Socotranum

Hoa sứ Adenium Socotranum là giống sứ cao nhất, cây trưởng thành có thể cao từ 4 -5 m. Điểm đặc biệt của giống này là khi hoa nở sẽ rụng lá hoàn toàn. Hoa có màu chủ đạo là màu hồng và trắng hồng.

4.9 Hoa sứ Adenium Arabicum

Hoa sứ Adenium Arabicum là giống sứ có chiều cao trung bình khoảng 90 cm. Thân cứng cáp và mọng nước với phần gốc to, ít cành, ít lá, lá tập trung ở đầu cành. Hoa có viền màu hồng đậm, phần trong cánh hoa màu hồng nhạt.

5/ Cách trồng hoa sứ trong chậu

5.1 Chậu trồng

Chậu trồng hoa sứ thường là chậu sành, chậu gốm với kích thước và thiết kế hoa văn phù hợp với màu sắc, kiểu dáng của cây hoa sứ. Chậu trồng phải có nhiều lỗ thoát nước để thoát nước tốt.

5.2 Đất trồng

Đất trồng sứ thường được phối trộn từ nhiều loại giá thể khác nhau. Công thức giá thể mà bạn nên áp dụng là tro trấu hun + vỏ đậu phộng + mụn xơ dừa + phân trùn quế + đất với tỉ lệ 3:2:1:1:1. Sau khi phối trộn giá thể phải đảm bảo thoát nước nhanh, tơi xốp để cây không bị thối rễ, đặc biệt nếu trồng vào mùa mưa thì cần tăng thêm tỉ lệ tro trấu hun.

5.3 Tiến hành trồng cây hoa sứ

Có hai cách trồng hoa sứ là trồng bằng hạt và trồng bằng cành giâm. Có thể phân biệt 2 cách như sau:

  • Cách 1: Trồng bằng hạt cây con lai giữa cây bố và cây mẹ nên màu hoa có thể không giống cây mẹ. Ưu điểm của cách trồng này là dễ làm và nhân giống được nhiều cây cùng lúc.
  • Cách 2: Trồng bằng cành giâm: cây con sẽ có đầy đủ đặc tính của cây mẹ và phát triển nhanh hơn, tuy nhiên hệ số nhân giống thấp.

5.4 Tạo hình cho chậu cây hoa sứ

Cách cắt tỉa cây sứ

Kỹ thuật cắt tỉa hoa sứ

Tạo hình cho chậu cây hoa sứ là việc cắt tỉa, sửa lại bộ rễ và uốn cành theo thế, dáng mà bạn ưa thích.

Việc tạo hình bắt đầu bằng bước cắt tỉa. Sau khi trồng từ 9 – 12 tháng thì tiến hành cắt tỉa để cây ra nhiều cành. Sau bước cắt tỉa, cây hồi phục và nuôi từ 3 cành trở lên thì thực hiện bước 2 là sửa lại bộ rễ. Bạn thay chậu trồng và giá thể, nâng bộ rễ lên theo kiểu trồng phơi để rễ nổi lên sẽ đẹp hơn. Khi cây đã ra rễ mới thì chăm sóc cho bộ rễ phát triển tốt. Bước cuối cùng là uốn cây theo dáng, thế phù hợp.

Khi cây hoa sứ đã có dáng và thế ổn định thì các bước chăm sóc tiếp theo chỉ cần thay chậu và cắt tỉa cành để cây ra nhiều đợt hoa.

6/ Chuẩn bị dụng cụ cắt tỉa cây hoa sứ

Hai dụng cụ chính dùng để cắt tỉa hoa sứ là dao sắc cắt cành và kéo cắt cành. Ngoài ra còn một số dụng cụ như dây buộc, dây kẽm để uốn cành, keo liền sẹo để bôi lên vết thương sau khi cắt tỉa…

7/ Cách cắt tỉa cây hoa sứ đẹp

7.1 Cắt tỉa cây hoa sứ phát triển bình thường

– Thời gian

Đối với cây hoa sứ mới trồng thì tiến hành cắt tỉa để tạo nhiều nhánh. Có thể cắt tỉa sau khi cây con đã sinh trưởng ổn định, thường là khoảng 1 năm sau khi trồng.

Đối với cây hoa sứ đã cho hoa thì có thể cắt tỉa sau 2 – 3 đợt hoa, cắt tỉa để đón đợt hoa Tết.

– Thao tác cắt tỉa cây hoa sứ

Dùng dao cắt hoặc kéo cắt cành để cắt tỉa bộ nhánh theo ý muốn. Tọa vết cắt xéo 1 góc 45 độ so với mặt phẳng ngang để mặt cắt không đọng nước. Sau đó bôi keo liền sẹo lên mặt cắt để cây không bị thối.

7.2 Cắt tỉa cây hoa sứ yếu, bị thối củ

– Thời gian

Đối với những cây yếu, cây bị thối củ bạn cần cắt tỉa để phục hồi cây ngay khi phát hiện.

– Thao tác cắt tỉa cây hoa sứ

Dùng dao sắt loại bỏ hoàn toàn phần rễ bị thối, sau đó bôi keo liền sẹo lên mặt cắt. Tiến hành trồng lại cây bằng phương pháp trồng phơi theo các bước sau:

  • Bước 1: bỏ giá thể vào chậu, cách miệng chậu 5 – 10 cm
  • Bước 2: Đặt toàn bộ cây lên mặt giá thể, dùng các cọc tre cắm xuống chậu và buộc cây vào cọc để cố định cây (không cho rễ xuống dưới giá thể)
  • Bước 3: Phủ lớp giá thể mỏng lên rễ.

8/ Chăm sóc sau khi cắt tỉa cây hoa sứ

Đối với hoa sứ bình thường, sau khi cắt tỉa thì đặt cây vào chỗ mát, bón phân trùn quế để cây đâm chồi cành nhanh.

Đối với hoa sứ bị thối củ, sau khi đã cắt bỏ phần thối và trồng lại theo phương pháp trồng phơi thì đặt cây vào chỗ mát. Tuần đầu tiên không tưới nước để rễ khô hoàn toàn, tuần thứ 2 tưới nước ít, qua tuần thứ ba khi cây đã có dấu hiệu hồi phục thì đem cây ra ngoài nắng và tưới nước bình thường, bón phân trùn quế cho cây.

9/ Phòng trừ sâu bệnh cho cây hoa sứ

Loại bệnh thường gặp trên cây sứ là bệnh thối nhũn do nấm Phytophthora sp., nấm tấn công vào thân, rễ gây thối mềm, lá héo vàng, trên thân xuất hiện những vết thối màu xám đen. Để phòng trừ bệnh ta sử dụng chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma để tưới vào đất. Khi phát hiện bệnh ta nên cắt bỏ phần thân, rễ, cành bị thối.

Ngoài ra còn một loài sâu phổ biến gây hại trên cây hoa sứ là sâu xanh, tấn công vào lá và đọt non của cây. Để hạn chế bị sâu bị gây hại, nên kiểm tra thường xuyên cây hoa sứ, quan sát vào buổi chiều để phát hiện sâu, sau đó dùng tay bắt và giết sâu.

10/ Cách để hoa sứ ra nhiều hoa

Để cây hoa sứ ra nhiều hoa, ngoài việc cung cấp đủ các yếu tố như nước tưới, phân bón thì việc cắt tỉa thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng. Như đã trình bày ở trên, sau 2 đến 3 đợt hoa bạn nên cắt tỉa cho cây ra cành mới, mỗi cành mới thường cho cụm hoa ở đầu cành.

Vậy là qua bài viết này Đặng Gia Trang đã hướng dẫn bạn kỹ thuật cắt tỉa cây hoa sứ đẹp như ý và cách chăm sóc để cây phát triển tốt nhất. Bạn hãy bắt tay ngay vào việc cắt tỉa để có chậu hoa sứ đẹp trong vườn nhà nhé. Nếu có bất cứ thắc mắc nào xin liên hệ Hotline 0902.652.099 để được tư vấn.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết