Cây trầu bà là loại cây cảnh độc đáo, không chỉ giúp làm đẹp không gian xung quanh mà còn mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc. Hiện nay có rất nhiều loại cây trầu bà khác nhau mà không phải ai cũng biết. Mỗi loại lại có những vẻ đẹp và ý nghĩa riêng biệt, nên nhiều người thường băn khoăn khi chọn loại cây trầu bà để trồng. Vì thế, Đặng Gia Trang sẽ giúp bạn tìm hiểu về các loại trầu bà phổ biến nhất hiện nay nhé.
1/ Ý nghĩa phong thủy của các loại trầu bà
Bên cạnh giá trị làm đẹp, cây trầu bà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa phong thủy sâu sắc. Cây trầu bà khá dễ trồng và chăm sóc nhưng luôn xanh tốt thế nên chúng tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển. Trong phong thủy, cây trầu bà đem đến những điều may mắn, thuận lợi và tốt lành cho gia chủ. Nhiều người tin rằng cây trầu bà sẽ giúp gia đình luôn thịnh vượng, tài lộc phát triển không ngừng.
Cây trầu bà là cây cảnh không trái ngược hay kiêng kỵ với bất cứ mệnh nào, nhưng hợp nhất là mệnh Mộc. Đặc biệt, cây trầu bà còn rất hợp với người tuổi Ngọ, giúp họ thu hút vượng khí, đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
2/ Cây trầu bà xanh
Cây trầu bà xanh hay còn được gọi là cây hoàng tâm diệp, là loại trầu bà phổ biến nhất. Loại cây này có chiều cao trung bình khoảng 20 – 30cm, lá dạng hình tim với kích thước bằng nửa bàn tay. Cây trầu bà xanh thường được trồng trong chậu đất, bình thủy tinh để bàn, chậu treo, trồng phủ nền trong các bồn cây lớn hoặc leo lên những thân cây khác.
Dựa theo màu sắc, hiện nay có 2 loại trầu bà xanh, đó là:
– Trầu bà xanh ta: Lá chỉ có màu xanh lục;
– Trầu bà xanh thái: Lá màu xanh lục nhưng có những vệt màu trắng xen kẽ.
3/ Cây trầu bà vàng
Giống với trầu bà xanh, cây trầu bà vàng có chiều cao từ 20 – 30cm và lá cũng dạng hình tim. Tuy nhiên, màu sắc của lá và cuống của loại này là màu vàng sáng. Hiện nay có trầu bà vàng lá dài và trầu bà vàng thái. Trầu bà vàng lá dài có đặc điểm nhận dạng lá dài hơn so với các loại cây trầu bà khác. Loại trầu bà vàng cũng thường được trồng chậu để làn hoặc trồng viền trong các bồn cây,…
4/ Cây trầu bà sữa
Cây trầu bà sữa có chiều cao khoảng 20 – 30cm giống 2 loại trên, là loại trầu bà dạng cây leo, thường hướng rủ xuống nên rất thích hợp trồng trong chậu treo. Lá hình trái tim nhưng màu sắc lạ mắt, nền lá xanh và có những vệt loang trắng giống màu sữa phân bố dày. Cuống lá dài, màu trắng, bề mặt lá hiện rõ gân chính. Trầu bà sữa thường được trồng phổ biến để trang trí các cửa hàng, quán cafe, sân thượng, văn phòng làm việc,…
5/ Cây trầu bà đế vương
Dựa vào màu sắc lá, trên thị trường chia ra 3 loại cây trầu bà đế vương: trầu bà đế vương xanh, trầu bà đế vương đỏ và trầu bà đế vương vàng. Đặc điểm chung của loại trầu bà đế vương đều là cây thân thảo, có đốt thưa, tại gốc có bẹ ôm cây, chiều cao trung bình từ 30 – 50cm. Lá dày, kích thước chiều dài khoảng 20 – 50cm, rộng khoảng 5 – 20cm. Lá có hình dạng thuôn nhọn dần về phía đầu, mặt trên nhẵn bóng và nổi rõ gân lá. Với màu sắc tươi sáng, cây trầu bà đế vương thường được trồng để trang trí không gian làm việc, học tập, các nhà hàng, khách sạn,… Trầu bà đế vương thể hiện sự sang trọng, uy quyền và giúp xua đuổi vận khí xui xẻo, đem đến nhiều điều tốt lành.
6/ Cây trầu bà chân rít lá đốm
Cây trầu bà chân rít lá đốm rất khác biệt, không có thân mà lá mọc từ gốc, có thể dài tới 30 – 40cm. Lá khá lớn, đầu lá thuôn nhọn và có màu xanh sẫm hoặc xanh non được điểm thêm những đốm vàng nổi bật. Cây có bộ rễ màu trắng, dài khỏe và hình dạng giống các chân rít. Trầu bà chân rít lá đốm chủ yếu được trồng để bàn, đặt tại phòng khách hay phòng bếp để lọc sạch không khí, mang đến không gian trong lành và thoải mái.
7/ Cây trầu bà Pháp
Cây trầu bà Pháp khá lớn so với các loại khác, chiều cao có thể đạt tới 1,2 – 1,4m. Lá có đặc điểm dạng hình mác, to khoảng bằng một bàn tay. Rễ cây khá đặc biệt, một phần rễ hút dưỡng chất từ đất, phần khác lại nằm trên mặt đất và mọc bám vào sinh vật khác. Người ta thường trồng cây trầu bà Pháp để trang trí không gian văn phòng, phòng khách, quán cafe,… để mang lại cảm giác thư giãn, tỉnh táo.
8/ Cây trầu bà chân vịt
Trầu bà khía là tên gọi khác của cây trầu bà chân vịt, thường cao khoảng 35 – 45cm. Loại trầu bà này mọc theo bụi nhỏ, thân cây mọng nước. Lá của chúng rất khác biệt bởi đặc điểm xẻ thùy hình chân vịt, mọc xen kẽ quanh thân tạo tán cây hình tròn. Mặt lá rất bóng, màu sắc xanh nhạt lúc non và chuyển dần sang đậm hơn khi già. Ngoài ra, cây trầu bà chân vịt còn có hương thơm đặc trưng, vô cùng dễ phân biệt.
Trầu bà chân vịt tượng trưng cho may mắn và tài lộc, giúp gia chủ luôn thuận lợi và thành công. Do đó, chúng thường được trồng chậu để bàn trang trí bàn làm việc, góc học tập, tủ sách, bàn bếp, kệ tủ,… Hoặc bạn cũng có thể trồng cây trầu bà chân vịt trong chậu treo hay theo dạng bò lan trên các tảng đá.
Cây trầu bà chân vịt xanh tốt được trang trí phòng khách
9/ Cây trầu bà cửa sổ
Thoạt đầu nghe tên trầu bà cửa sổ, chắc hẳn ai cũng thấy khá buồn cười và lạ lẫm. Loại này còn được gọi là trầu bà lá rách hay trúc lưng rùa. Đây là giống cây thân thảo, mọc nhiều nhánh và gốc có nhiều đốt. Phiến lá hình bầu dục nhưng thuôn nhọn về phía đầu, màu xanh đậm và có nhiều lỗ khác nhau trên bề mặt. Cái tên trầu bà cửa sổ cũng là do đặc điểm những chiếc lỗ to nhỏ lạ mắt ấy. Cây trầu bà cửa sổ có thể trồng theo dạng bò lan trang trí bồn cây cảnh hoặc trồng thủy sinh để ở phòng làm việc, phòng khách,…
10/ Cây trầu bà thanh xuân
Trầu bà thanh xuân hay còn gọi là trầu bà lá xẻ, vốn rất quen thuộc với những ai yêu thích trồng cây trầu bà. Loại cây này mọc theo bụi nhỏ, cao khoảng 50 – 60cm và thường xanh tốt quanh năm. Lá của trầu bà thanh xuân xẻ thùy gần giống lá cây trầu bà chân vịt nhưng lớn hơn rất nhiều. Đặc điểm bẹ lá lớn ôm sát thân, phiến lá to và dày dặn. Hiện nay, cây trầu bà lá xẻ thường được trồng làm cây cảnh nội thất để trang trí văn phòng, phòng khách hoặc trang trí tiểu cảnh ở đại sảnh, sân vườn.
11/ Cây trầu bà cẩm thạch
Cây trầu bà cẩm thạch có màu sắc và hình dáng lá khá giống với cây trầu bà sữa, nên nhiều người thường nhầm lẫn 2 loại này. Lá của trầu bà cẩm thạch hình trái tim nhưng bề mặt lá có các đốm xanh và trắng rõ nét hơn. Nhờ màu sắc nổi bật và nét đẹp độc đáo nên loài trầu bà này cũng khá được ưa chuộng. Không chỉ có tác dụng hấp thụ tia bức xạ từ các thiết bị điện tử, giúp không khí trong lành, cây trầu bà cẩm thạch còn tượng trưng cho sự mến khách. Vì thế, loại trầu bà này thường được trưng ở bàn làm việc, phòng khách, phòng họp,…
12/ Cây trầu bà xanh leo
Cây trầu bà xanh leo có đặc điểm thân tròn, tại các đốt thân mọc rễ khí sinh. Lá đơn, hình trái tim và có màu xanh bóng, thỉnh thoảng có rải rác vạch màu trắng, vàng. Loại trầu bà này thường được trồng dạng leo bám lên cọc thẳng đứng, thân cây khác hoặc trên tường rào. Cây trầu bà xanh leo không chỉ có tác dụng thanh lọc không khí mà trong phong thủy, cây còn đem lại vận may và tài lộc cho gia chủ.
13/ Cây trầu bà tỷ phú
Cây trầu bà tỷ phú gây ấn tượng ngay từ cái tên, chúng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Cây có thân hình cọng tròn, màu xanh, khá ngắn và thường bị lá che phủ. Lá cây màu xanh đậm, phần đầu thuôn nhọn. Hiện nay, cây trầu bà tỷ phú thường được trồng chậu để bàn, chậu treo cửa sổ, sân thượng, trồng tiểu cảnh sân vườn hoặc trồng thủy sinh. Nhờ cây trầu bà tỷ phú mà không gian xung quanh bạn sẽ luôn xanh tươi, không khí trong lành và thoải mái.
14/ Cây trầu bà hạnh phúc
Cây trầu bà hạnh phúc là cây thân thảo dạng leo, thường cao từ 40 – 50cm. Lá có màu xanh đậm bóng, khá lớn và dày. Bề mặt lá nổi rõ đường gân tạo thành các hình hoa văn không rõ hình thù, viền lá gợn sóng nhẹ. Người ta chủ yếu trồng cây trầu bà hạnh phúc trong chậu treo và làm cảnh ở sân vườn, ban công, cửa sổ hay sân thượng,…
15/ Cách chăm sóc các loại trầu bà
– Ánh sáng: Các loại cây trầu bà không cần quá nhiều ánh sáng nhưng nếu không được hấp thụ đủ sẽ khiến lá cây mất đi màu xanh tươi thường ngày. Phải tránh cho cây khỏi ánh nắng gay gắt của mặt trời để cây không bị cháy nắng, héo úa.
– Nhiệt độ: Cây trầu bà có thể sinh trưởng tốt nếu trong nhiệt độ thích hợp khoảng 15 – 26 độ C.
– Nước tưới: Là loài cây ưa ẩm trung bình nên bạn phải thường xuyên tưới nước cho cây. Mỗi tuần đều đặn tưới khoảng 3 – 4 lần. Giữa các lần tưới nên để đất khô, vì nếu đất đọng nước lâu và ẩm liên tục thì sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh. Đối với cây trầu bà trồng thủy sinh, bạn chỉ cần hàng ngày kiểm tra nếu nước cạn thì châm thêm, nước đục thì phải thay mới.
– Phân bón: Các loại trầu bà đều không yêu cầu cao về phân bón, nên bạn có thể sử dụng một số loại phân hữu cơ hoặc hóa học với liều lượng cân đối để bổ sung dinh dưỡng khoảng 2 tháng/lần.
Như vậy, Đặng Gia Trang đã tổng hợp tất cả các loại trầu bà phổ biến nhất hiện nay trong bài viết trên. Sau khi tham khảo, chắc hẳn bạn đã nhận dạng được các loài cũng như cách chăm sóc đơn giản. Hy vọng bạn có thể lựa chọn được loại cây trầu bà phù hợp và trồng thành công nhé. Mọi chi tiết thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099!
Sfarm.vn
*Xem thêm
- Cách trồng và chăm sóc cây trầu bà chân vịt
- Cách trồng trầu bà thủy sinh xanh mướt quanh năm
- Trầu bà thanh xuân: ý nghĩa phong thủy, cách trồng chăm sóc
- Cây Monstera có đặc điểm gì & cách trồng đơn giản tại nhà