MIỀN TRUNG TRỒNG GÌ?

414 lượt xem

Bão tố làm tan nát miền Trung. Nỗi đau đâu chỉ trong mấy ngày bão đến. Nó sẽ đeo đuổi bà con ta suốt nhiều năm sau nữa. Cứ nhìn hàng vạn héc ta cao su bị đổ rạp, nỗi đau mới lớn làm sao. Vậy miền Trung trồng cây gì để chống chịu lại với bão lũ?

Trồng cao su phải 7 – 8 năm mới được thu hoạch. Bà con ta đã đầu tư biết bao tiền của và công sức vào đó. Đến lúc được thu thì… gẫy cây! Như vậy là sổ toẹt toàn bộ sự nghiệp. Mọi việc lại phải quay lại từ đầu. Nỗi đau này quá lớn. Người càng nghèo, càng đau…

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã có ý kiến về vấn đề này. Ông đề nghị chấm dứt hoàn toàn việc trồng cao su ở miền Trung để chuyển sang trồng các loại cây khác. Ông mong muốn miền Trung sẽ trồng cỏ để nuôi bò. Nếu chưa có bò thì bán cỏ cũng sẽ có được 150 triệu đồng/ha…

Nhưng, đó mới chỉ là phép tính “nhân”. Trong thực tiễn, ta còn phải có thêm cả phép “chia” và phép “trừ” nữa. Dù sao, đó cũng là một hướng đi đúng đắn.

Tôi băn khoăn suốt cả tuần với bài toán: Miền Trung nên trồng cây gì? Đúng dịp tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi nhớ tới một lời khuyên trước đây của Đại tướng: “… Nên thử nghiệm đưa cây mít vào canh tác ở những vùng gò đồi, đất đai khô hạn và cằn cỗi…”. Đại tướng nói điều này từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Mít là một loại cây chịu được gió bão vì nó có rễ cọc. Mít dễ trồng, dễ sống. Tán mít rộng và lá xanh quanh năm. Nếu dùng mít để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thì rất tốt. Lá mít dê ăn được.

Đặc biệt, toàn bộ phần quả mít đều dùng được hết: Vỏ và xơ dùng làm thức ăn cho gia súc; hạt chứa nhiều bột, có thể luộc ăn hoặc nghiền thành bột để làm bánh; mứt mít thì khỏi phải nói, ăn tươi hoặc sấy khô đều ngon.

Trước đây ta khó ở khâu tiêu thụ. Nay Cty Vinamit và nhiều Cty khác luôn luôn mong chờ nguyên liệu mít của bà con. Có bao nhiêu họ cũng tiêu thụ hết. Cả thế giới hâm mộ món mít khô của Việt Nam.

Chỉ có điều, muốn làm ăn lớn thì phải ký kết hợp đồng với Cty. Huyện hoặc tỉnh phải đứng ra đại diện cho bà con. Vùng nguyên liệu thì ít nhất phải từ 5.000 – 10.000 ha. Điều này trong tầm tay của chúng ta.

Tôi đã trực tiếp trao đổi với TGĐ Cty Vinamit Nguyễn Lâm Viên (ĐT: 0903.906.736). Ông sẵn sàng giúp cho miền Trung. Ông cho biết, đó là vùng khó khăn mà ta phải giúp đỡ. Mặt khác, đó lại là ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng ta có nhiệm vụ thực hiện… Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến đó của ông.

Hãy tưởng tượng xem, hàng vạn héc ta mít sẽ phủ kín cả dải đất khô cằn ở vùng Bắc Trung bộ. Nó sẽ tạo nên một màu xanh kỳ diệu, mát mắt. Rừng cây đó sẽ thay đổi khí hậu cho cả vùng này. Chưa nói tới gỗ mít, nó là loại gỗ quý, giá rất đắt. Ai có 100 khúc gỗ mít thì… tiền để đâu cho hết!?

Ngoài mít ra, ở vùng này còn có thể trồng hàng loạt đối tượng cây trồng khác. Trước mắt, nếu gỗ cao su (từ những cây bị gẫy đổ) hoặc các cành nhỏ của nó ta nên đưa ngay vào trồng mộc nhĩ. Đừng để quá lâu vì mộc nhĩ phải trồng trên cây tươi. Gỗ cao su rất thích hợp để trồng mộc nhĩ.

Tôi điện cho ông Đinh Xuân Linh, GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền NN (ĐT: 0913.234.115). Ông cho biết: Ngoài gỗ ra, lá của cao su cũng dùng để trồng nấm được. Trung tâm sẵn sàng thu mua hoặc giúp bà con trồng nấm ngay. Việc này, tỉnh và huyện cũng phải vào cuộc để tổ chức SX cho bà con.

Ta phải làm khẩn trương như khi ta lo chống bão. Chống không được rồi thì bây giờ ta lo khắc phục cho bà con. Đừng ngồi mãi trong các cuộc họp để… tranh cãi mà chả được việc gì cụ thể. Hãy bắt tay ngay vào việc.

Ngoài những cây ngắn ngày mà chúng ta đã có chủ trương trồng như ngô, khoai, sắn, rau, đậu các loại, ta cũng nên bàn với bà con để trồng thêm những cây dài ngày. Vùng đất này có thể đưa cam, chanh, quýt, bưởi vào trồng được không?

Anh thanh niên Nguyễn Văn Bách (ĐT: 0963.087.909) ở Hàm Yên, Tuyên Quang chỉ trồng giống chanh bốn mùa mà mỗi năm thu tới gần 1 tỷ bạc! Vậy, sao ta không học theo?!

Nếu muốn “cao cấp” hơn, ta dùng giống chanh vừa tứ quý không có hạt mà bác Phương ở trang trại Phương Mai (ĐT: 01234.558.828) tại Lâm Đồng đã làm. Tôi đã tới đó rồi, chỉ nhìn cũng sướng mắt. Đất miền Trung còn thích hợp để trồng các loại bầu, bí, dưa leo, dưa hấu, mướp đắng (khổ qua), hành, tỏi, ớt…

Khi sang thăm Quảng Tây (Trung Quốc) tôi đã tới thăm những khu vực mênh mông, hết đồi này sang đồi khác mà chỉ trồng có riêng một loại là cây dứa dại (cây thùa). Khóm cây rất to, mỗi chiếc lá của nó cũng dài bằng cái đòn gánh. Người ta lấy lá đưa đi ép để lấy dịch lá và chế biến ra nhiều thứ.

Còn xơ thì dùng để bện làm dây chạc cho thuyền, bè đi biển. Nó rất bền và giá cũng rất đắt. Trước đây, TS Lê Thị Muội (con gái của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) đã nghiên cứu vấn đề này. Nhưng lúc đó, có lẽ dân ta chưa hiểu nên không mặn mà lắm. Công việc coi như không thành. Nay nếu làm, chắc rằng sẽ thuận lợi hơn.

Ở Thái Lan, bà con bên đó trồng nha đam trên những vùng đất na ná đất miền Trung của chúng ta. Cây tốt lắm, lá to, mập, dài. Họ tước xơ bên ngoài rồi sấy khô để làm chè giải nhiệt. Còn thịt lá thì được dùng làm đủ thứ, từ nước uống cho tới mỹ phẩm và các dung dịch giúp cho chị em trẻ ra. Họ bán chạy như tôm tươi. Người Thái còn trồng ổi, trồng táo, trồng xoài…

Ngoài việc bán để ăn tươi, bà con ở đó còn SX ra các loại nước uống và bánh, mứt từ các loại quả. Họ có những nhà máy mini ngay tại làng. Tuy nhiên, sản phẩm của họ vẫn ngang hàng với các loại sản phẩm được SX ở thành phố.

Tôi vào Nha Trang (Khánh Hòa) và có tới thăm một anh bộ đội người Bắc đưa cây sấu vào trồng. Cây lên tươi tốt, quả đầy trên cành. Vậy, đã có ai dám thử đưa cây sấu vào các tỉnh khác ở miền Trung trồng chưa? Sấu có rễ cọc, gió bão không quật nổi được nó. Quả sấu mà chế biến thì sẽ ngon hơn quả me của Thái Lan rất nhiều. Tôi mơ ước, sấu sẽ di thực được vào trong đó. Lúc ấy, ai có một đồi sấu thì ung dung sống suốt đời…

KS Nguyễn Lân Hùng (Báo NNVN) (Sfarm.vn tổng hợp)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết