DÙNG TRÙN QUẾ XỬ LÝ AO TÔM: GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NGHỀ NUÔI BỀN VỮNG

261 lượt xem

Những năm gần đây, dịch bệnh hoành hành trên tôm đã khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, Phó trưởng trạm phụ trách Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã nghiên cứu thực hiện giải pháp nuôi tôm bằng E.M Trùn (hỗn hợp trùn quế & quần thể vi sinh vật có ích) nhằm bù đắp sinh học, cải thiện môi trường nước, tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi.

Bảo vệ và cải tạo môi trường nước

Theo kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, hiện nhiều người dân nuôi tôm theo cách “hối hả đi tìm vàng”. Nhiều người nuôi suy nghĩ đơn giản: 1ha tôm lời 200 triệu/vụ thì 2ha sẽ lời được 400 triệu nên họ đổ xô phá rừng ngập mặn để nuôi tôm một cách tự phát, không theo quy hoạch. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật tùy tiện, nhận thức kỹ thuật còn hạn chế, không có quy chế quản lý trên vùng nuôi tập trung dẫn đến dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Khi bệnh tôm xảy ra, người nuôi xử lý không đúng khiến dịch bệnh nhanh chóng lây lan ra trên diện rộng. Kỹ sư Huỳnh Văn Vũ nhấn mạnh: Nuôi tôm, việc quan trọng nhất là tìm nguồn giống có chất lượng tốt, sau đó phải chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, người nuôi phải bảo vệ, tránh để nguồn nước bị ô nhiễm gây dịch bệnh trên tôm. Để giúp người nuôi bảo vệ môi trường nước, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ đã xây dựng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học. Quy trình này hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng hóa chất, kháng sinh; thay vào đó, sẽ dùng E.M (Effective Microorganisms, quần thể vi sinh vật có ích) làm môi trường trong sạch, tảo ổn định; cho tôm ăn E.M Trùn (hỗn hợp E.M và trùn quế) để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Cụ thể, sau khi cải tạo ao nuôi bằng cách lấy nước, diệt tạp (vật chủ trung gian mang mầm bệnh), diệt khuẩn, gây màu nước, người nuôi tôm bón E.M trùn quế vào ao nuôi. Môi trường nước sẽ được bổ sung nhiều vi sinh vật có lợi (bù đắp sinh học) như vi khuẩn quang hợp, lactic, nấm men, xạ khuẩn, nấm sợi… Các vi sinh vật này sẽ phân hủy mùn bã hữu cơ, khí độc NH3, H2S… giúp thanh lọc môi trường nước. Mặt khác, dưới tác dụng của vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn nitơ hóa, khí độc sẽ được chuyển hóa thành các hợp chất nitơ vô cơ, muối dinh dưỡng; tảo trực tiếp hấp thụ các yếu tố này để ổn định. Khi tảo ổn định, các chỉ tiêu môi trường pH, oxy hòa tan cũng sẽ ổn định, giúp tôm phát triển khỏe mạnh. Khi cho tôm ăn E.M Trùn quế, tương tác giữa E.M và dịch trùn tạo ra cộng đồng vi khuẩn có lợi, nhân rộng, phát triển trong môi trường ruột tôm, làm tăng năng lực sát khuẩn, tăng cường sản sinh kháng thể, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Phát triển bền vững

Những năm gần đây, trong khi nhiều hộ dân khốn đốn vì nuôi tôm thì cũng có nhiều người ăn nên làm ra nhờ nuôi tôm bằng E.M Trùn quế. Năm 2010, giải pháp này mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm cho người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; khoảng 10 triệu đồng/lồng/vụ cho tôm hùm. Nếu nuôi tôm bằng E.M Trùn một cách khoa học, đồng bộ, mỗi năm, người nuôi tôm toàn tỉnh có thể thu lợi gần 700 tỉ đồng.

Đầu năm 2010, ông Nguyễn Trung San ở phường 6 (TP Tuy Hòa) thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6.500m2. Dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Huỳnh Văn Vũ, ông San cải tạo ao nuôi, gây màu nước bằng phân hữu cơ sinh học Bio Compost (một loại chế phẩm sinh học được chế biến từ phân trùn quế) để ổn định tảo. Khi tôm được 1 tháng tuổi, ông San bắt đầu cho tôm ăn E.M Trùn với liều lượng vừa phải. Sau một thời gian, ông San nhận thấy tôm phát triển tốt, không bị bệnh, màu sắc tươi sáng, cơ thịt săn chắc. Vụ thu hoạch tôm tháng 4/2010, ông San lãi được 120 triệu đồng. Cũng với giải pháp trên, gia đình ông Lương Công Toàn ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) lãi được 200 triệu đồng khi nuôi 3.500m2. Thấy được hiệu quả của việc nuôi tôm bằng E.M Trùn, nhiều người dân đã bắt tay vào thực hiện, đẩy phong trào nuôi trùn quế ở một số huyện trong tỉnh phát triển.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Nguyễn Đình Nhơn, nuôi tôm bằng E.M Trùn quế mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người nuôi. Quan trọng hơn, giải pháp này không làm ô nhiễm môi trường nước nên giúp nghề nuôi tôm có thể phát triển bền vững. Với giải pháp trên, kỹ sư Huỳnh Văn Vũ được nhận giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần 3 (2008-2009) do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Phú Yên trao tặng, sau đóđược Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động Sáng tạo (4/2012).

Thái Hà
Theo Báo Phú Yên (Sfarm.vn tổng hợp)
=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (14 bình chọn)