Sáng 21-12, đi cùng “tour tham quan khởi nghiệp nông nghiệp”, chúng tôi đến vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV trà Tâm Lan ở Tây Ninh. Đối diện vùng nguyên liệu, phía bên kia con đường là trang trại nuôi bò và trùn quế, hai con vật tưởng chừng không liên quan nhưng là những mắt xích cần thiết trong chuỗi giá trị vùng nguyên liệu mà Tâm Lan xây dựng.
Trang trại không đầu vào
Có người gọi vui vùng nguyên liệu của Tâm Lan là trang trại không đầu vào. Sở dĩ vậy vì ở đây, phân bón không phải mua, thuốc bảo vệ thực vật không sử dụng, cây giống thì có sẵn từ vùng nguyên liệu đã xây dựng trước đó.
Nói chuyện cùng đoàn tham quan, bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty trà Tâm Lan chia sẻ, tất cả vùng nguyên liệu của công ty sử dụng nguồn phân trùn quế từ trang trại chăn nuôi rộng 5 héc ta mà công ty xây dựng. Trại này nuôi nhiều loại động vật khác nhau, từ bò, heo, đến gà, vịt, cá và trùn quế. Trong đó, bò và trùn quế là hai con vật nền tảng của trang trại.
Trại có hơn 400 con bò các loại. Bò nuôi bán lấy thịt để có chi phí tự trang trải cho trang trại. Phân bò được tận dụng để nuôi trùn quế. Cứ 6-7 tuần, các trại trùn cho ra 100.000 tấn phân, đủ để phân phối cho vùng nguyên liệu của công ty.
“Mô hình này giúp chúng tôi có lượng phân bón chất lượng nhưng miễn phí cho vùng nguyên liệu, qua đó vừa giúp kiểm soát tốt quy trình, vừa giảm giá thành sản xuất”, bà Lấn chia sẻ về một trong nhiều giá trị mà trang trại chăn nuôi mang lại.
Khi việc kinh doanh mở rộng, công ty cần dùng nhiều phân bò để bón cho vùng nguyên liệu, thế nhưng chất lượng và số lượng không ổn định, vì vậy cách đây 3 năm bà quyết định nuôi bò để chủ động nguồn cung. Từ vài chục con ban đầu, nay đàn bò đã phát triển hơn 400 con, chưa kể công ty đã có 10 đợt bán bò trưởng thành.
Có phân bò rồi, nhưng lại phải ủ khoảng 6 tháng mới có dùng trong khi nhu cầu sử dụng cần khoảng thời gian ngắn hơn. Vậy là những láng trùn quế được dựng nên ngay tại trang trại 5 héc ta của công ty.
Không chỉ chăn nuôi, công ty còn trồng thêm lúa để lấy gạo cho công nhân và dùng rơm cho bò ăn. Luân canh với cây lúa là đậu phộng để cải tạo đất.
Tích tiểu thành đại
Kể về điểm khởi đầu của Tâm Lan, bà Lấn chia sẻ, chuyện bắt đầu vào năm 2008, bà Lấn, khi đó ở tuổi 60, nhiều bệnh tật nên đã tìm về những cây thuốc nam truyền thống mà cha bà – một vị thầy thuốc, từng bốc để giúp những người nghèo. Dùng rồi thấy công hiệu, bà đem cho những người bệnh cùng nằm viện để họ uống. Họ uống thấy tốt nên khuyên bà nên đưa sản phẩm ra thị trường để nhiều người dùng.
Vậy là cơ duyên đưa bà Lấn đi vào con đường kinh doanh. Ở tuổi 60, 10 người con của bà đều ngăn cản với lý do, “mẹ già rồi, nghỉ ngơi cho khỏe …” nhưng tin vào giá trị sản phẩm mang lại sức khỏe cho mọi nhà, bà Lấn quyết tâm làm trà để bán cho người dùng.
Hiện trà Tâm Lan đã có mặt tại các tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu sang một số quốc gia, và cái nôi khởi đầu của sản phẩm này lại nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại sao lại là khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà không phải là TPHCM? Có nhiều lý do, nhưng nói nôm na như bà Lấn, thì sản phẩm mới, chào ở TPHCM, dễ bị họ ném hàng vào mặt; còn ở ĐBSCL, họ hiếu khách hơn và người dân cần sản phẩm của mình hơn.
Ngắn gọn là vậy nhưng với một bà già nông dân ở tuổi 60 lặn lội đi chào hàng không phải là điều dễ dàng. Bà Lấn chọn những tiệm thuốc bắc để giới thiệu sản phẩm. Sở dĩ chọn tiệm thuốc vì sản phẩm trà túi lọc của bà hướng đến chăm sóc sức khỏe; chọn tiệm thuốc bắc vì sản phẩm gần gũi với các vị thuốc bắc hơn là thuốc tây.
Những ngày đầu đi chào hàng bà thất vọng lắm nhưng tự nhủ phải cố gắng vượt qua, “nếu không, thất bại về nhà, mặt mũi nào gặp mấy đứa con”, bà Lấn nhớ lại. Đã có những lúc bà phải cố nuốt nước mắt vào trong, kiên trì thuyết phục khách hàng dùng thử…Trên đây chỉ là một câu chuyện nhỏ trong rất nhiều câu chuyện mà Tâm Lan trải qua trong hơn 8 năm qua. Nhắc lại những ngày đầu khó khăn, bà Lấn muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng khởi nghiệp cần có tâm và quyết tâm, và rằng không có ai lớn mà không bắt đầu từ nhỏ.
“Tour tham quan khởi nghiệp nông nghiệp” là một trong những hoạt động của Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC – BSA), thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA). Mục đích của các tour tham quan, là nhằm giúp kết nối các bạn trẻ khởi nghiệp ở các địa phương, tạo thành mạng lưới liên kết hỗ trợ cùng phát triển, học hỏi kinh nghiệm.
Sfarm.vn tổng hợp & biên tập