Thuốc chữa tim mạch từ giun quế

233 lượt xem

Ở Việt Nam, loài giun quế màu huyết dụ, chừng 8 – 12 cm thường chỉ được dùng làm thức ăn cho cá và gia súc. Tuy nhiên, các nhà khoa học Việt Nam vừa tạo ra một loại thuốc rất an toàn cho bệnh nhân tim mạch từ loài giun này.

PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dao (Viện Công nghệ Sinh học) cùng cộng sự phát hiện trong loài giun này chứa một loại enzyme có thể thủy phân đặc hiệu những cục máu đông và, nhờ phát hiện này, giun quế trở thành món thuốc quý.

“Sợi fibrin – một loại protein trong máu – vốn có tác dụng làm đông máu, giúp liền vết thương. Nhưng nó sẽ mắc lại ở những thành mạch máu gồ ghề, xơ vữa của bệnh nhân tim mạch hoặc mỡ máu, gây tắc mạch máu. Enzyme fibrinolytic trong giun quế có khả năng thủy phân mạnh mẽ, làm đứt các sợi này” – TS Dao lý giải.
Giun quế sau khi rửa sạch, được ngâm trong nước cất 5 – 6 lần, mỗi lần 2 giờ để thải hết chất bẩn. Sau đó đem giun nghiền nhỏ trong muối sinh lý và ly tâm để loại bỏ những tế bào chết. Dịch giun đem đông khô, trữ lạnh ở – 20oC. Công đoạn cuối cùng là cho tá dược và bào chế thành bột giun.

50 bệnh nhân tai biến mạch máu não ở một trung tâm đông y của Hà Nội tình nguyện thử nghiệm thuốc này và cho kết quả rất khả quan. Hơn 90% bình phục sau 12 ngày dùng thuốc phối hợp với châm cứu, thay vì phải điều trị hàng tuần lễ như nhóm chỉ châm cứu đơn thuần.

“Trong các bài thuốc dân gian, giun đất thường được dùng để chữa tim mạch, cao hoặc thấp huyết áp, xơ gan …, nhưng là loại giun to màu nâu hoặc đen, hàm lượng enzym fibronilytic không cao.

Ngoài ra, sản phẩm thường không tinh sạch do chủ yếu được bào chế bằng thủ công như phơi khô, tán nhỏ cả con chứ không có công nghệ tách chiết, tinh sạch để lấy dịch giun”- TS Dao cho hay.

Thuốc chữa xơ vữa động mạch từ giun quế dự kiến rẻ hơn thuốc ngoại nhiều lần. Qua kiểm chứng, các nhà khoa học nhận thấy bột giun có tác dụng tương đương các loại thuốc ngoại đang dùng phổ biến như Urokina (tách chiết từ nước tiểu), Strestokina (triết xuất từ vi khuẩn).

Được bào chế hết sức phức tạp (2.300l nước tiểu mới thu được 29mg Urokina) với công nghệ tối tân nên những tân dược này rất đắt tiền. Bên cạnh đó, hai loại thuốc trên còn có tác dụng ngoài mong muốn như gây táo bón, tiêu chảy, sốt … “Kết quả thử nghiệm cho thấy bột giun không gây tác dụng phụ nào”.

Kỳ thực, để tìm ra loài giun quế chứa một lượng enzyme fobronolytic hoạt độ cao không phải dễ.

Qua nghiên cứu trên 9 loài giun, TS Dao chú ý đến loài Peryonix escavatu – tên khoa học của giun quế. Theo nghiên cứu của GS Thái Trần Bái (ĐH Sư phạm Hà Nội), giun quế phân bố ở hầu hết các tỉnh thành nước ta.
PGS Nguyễn Thị Ngọc Dao và các cộng sự đã nghiên cứu về gene học để tiến tới tạo enzyme này bằng công nghệ tái tổ hợp gene. Nhằm thu được enzyme tinh khiết hơn, số lượng lớn hơn, thuận lợi cho việc làm thuốc.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết