ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN HỮU CƠ

250 lượt xem

Với xu hướng thế giới và trong nước đang phát triển một nền nông nghiệp hữu cơtăng cường bón phân hữu cơ cho đất sản xuất nên việc sử dụng phân vô cơ, urê, kali, DAP, SA sẽ giảm đi. Vì vai trò của phân hữu cơ trong canh tác nông nghiệp rất nhiều nên các nhà sản xuất phân bón vô cơ, phân hữu cơ cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường này. Đây là vấn đề được Hiệp hội Phân bón Việt Nam đặt ra tại cuộc họp thường niên tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 23/1.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu trong năm 2014 đạt giá trị cao như cà phê, gạo, điều, cao su, rau quả, tiêu… phần lớn là do sử dụng phân bón sản xuất bằng công nghệ cao, phân bón chất lượng cao vô cơ, phân hữu cơ hợp lý. Trước tình hình trên, các nhà sản xuất phân bón trong thời gian tới cần nghiên cứu các biện pháp về công nghệ, hợp chất phù hợp với vùng đất và cây trồng hợp lý để đạt năng suất cao, bền vững góp phần phục vụ ngành nông nghiệp phát triển.

phan_bon-huuco-phantrunque

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất các loại phân bón trong nước để hạn chế mức thấp nhất nhập khẩu phân bón và phục vụ nông nghiệp tốt hơn. Trong đó, các nhà sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao như công nghệ urê hóa lỏng, tháp cao, nano, lên men Canada, enzyme, sinh học, tế bào gốc… hoặc hợp chất Avail, Agrotail phối hợp nâng cao chất lượng phân bón đạm, lân để sản xuất phân bón chất lượng cao vô cơ, hữu cơ.

Để phát triển ngành phân bón phù hợp với sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết: Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ giảm giá than, khí cho sản xuất phân bón.

Mặt khác, hiện nay Trung Quốc đã phát triển 4 nhà máy sản xuất kali, có nhà máy chỉ cách Việt Nam 50-60km và đã bán cho một số doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đẩy mạnh tiến độ chương trình phân kali ở Lào, nhằm đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời cần bổ sung các chế tài mạnh hơn trong việc xử lý các doanh nghiệp làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đặc biệt là các công ty “ma” mỗi năm thay thương hiệu 3-4 lần để làm cho thị trường phân bón lành mạnh, bền vững.

Nhận định về giá phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết: sẽ không có sự tăng giá đột biến của các loại phân bón trong năm 2015. Diễn biến về thị trường phân bón trong nước và thế giới còn nhiều phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai… Đặc biệt, thị trường phân bón sẽ bị tác động bởi giá lương thực và giá dầu mỏ giảm liên tiếp trong thời gian qua.

Trong năm 2014, ngành phân bón đã cung cấp hơn 10 triệu tấn phân bón các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các nhà sản xuất phân bón urê, DAP, các nhà nhập khẩu phân bón gặp nhiều khó khăn do giá phân bón thế giới tăng giảm bất thường. Ngược lại, các nhà sản xuất NPK, các loại phân lân và phân hữu cơ bị áp lực cạnh tranh lớn nhưng vẫn thu được lợi nhuận do xu hướng sử dụng phân hữu cơ, phân bón công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Nguon mard.gov.vn

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)