Bật mí cách trồng hoa hồng Đà Lạt nở hoa quanh năm

2293 lượt xem
Hoa hồng Đà Lạt là loài hoa hồng không còn xa lạ với nhiều người hiện nay. Hoa có thể tương thích với nhiều kiểu khí hậu, dễ trồng và kháng sâu hại tốt. Dù tương đối phổ biến, nhưng hoa hồng Đà Lạt vẫn cực kỳ thu hút bởi màu sắc độc đáo và hương thơm quyến rũ của nó.
Sau đây, hãy cùng Đặng gia Trang tìm hiểu về bật mí cách trồng hoa hồng Đà Lạt nở hoa quanh năm qua bài viết này nhé!

1/ Đặc điểm của hoa hồng Đà Lạt

Hoa hồng Đà Lạtlà loại hoa hồng cổ có nguồn gốc Đà Lạt nước ta. Cây thuộc họ hoa hồng (Rosaceae), khá đa dạng về màu sắc và mang hương thơm nổi bật.

Thân hoa hồng Đà Lạt: Thân có màu xanh đậm, dạng bụi lớn và mang nhiều cành nhánh. Thân hoa hồng Đà Lạt có chiều cao từ 0,7 đến 1m, cứng, giòn và có nhiều gai nhọn.

Rễ hoa hồng Đà Lạt: là rễ cọc dài, ngoài ra, hệ rễ phụ cũng tương đối phát triển.

Lá của hoa hồng Đà Lạt: là lá kép 3, có dạng hình trứng gà, phiến lá nhẵn và mép lá có dạng hình răng cưa.

Hoa của hồng Đà Lạt mang nhiều màu sắc khác nhau như: Trắng, hồng, vàng, đỏ nhung và màu cam. Hoa được tạo ra từ nhiều lớp cánh hoa, tạo nên nét đẹp tỉ mỉ và hương thơm quyến rũ.

2/ Điều kiện sinh trưởng của hoa hồng Đà Lạt

Hoa hồng Đà lạt sinh trưởng tốt trong điều kiện có nhiều ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng ban sáng và ban chiều. Trong điều kiện ánh sáng phân bổ không đều, cây sẽ sinh trưởng hướng về phía mặt trời, gây nên hiện tượng lệch tán.

Ngoài ra, cây thích hợp ở các vùng đất có tầng canh tác không quá dày, giữ ẩm tốt, nhiều dinh dưỡng và thoát nước.

Cây phù hợp trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ và điều kiện thời tiết ổn định. Ngưỡng nhiệt thích hợp cho cây nằm vào khoảng 17-25oC và độ ẩm biến thiên từ 70-85%.

3/ Những loại hoa hồng Đà Lạt phổ biến

Hoa hồng Đà Lạt nổi tiếng với những đoá hồng nhung đỏ thắm, sặc sỡ và cuốn hút. Tuy vậy, nhiều người không biết rằng, loài cây này còn có nhiều chủng loại quyến rũ không kém:

– Hoa hồng Tezza: Hay có tên gọi khác là hồng siêu nụ. Là loại cây có kích thước đáng yêu và nét đẹp ấn tượng. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau như: Vàng, cam, hồng phấn, đỏ. Cây có chiều cao khoảng 30cm và rất sai hoa, là lựa chọn thích hợp cho vị trí hoa cảnh ban công, sân thượng hay vườn nhà.

– Hoa hồng cổ Đà Lạt: Là loài hoa hồng mang vẻ đẹp kiêu sa, nhanh nhã, cùng với hương thơm nồng nàn. Cây có dạng thân leo và màu sắc hoa nhẹ nhàng, cuốn hút: Hồng phấn, vàng nhạt, trắng,… Là loài cây thích hợp cho làm vòm và leo giàn.

– Hoa hồng Sa Đéc: Có tên gọi khác là hồng nhung. Đây là loài hoa phổ biến trong các loài hoa hồng. Tuy vậy, Hồng nhung Đà Lạt lại mang sắc đỏ đậm, hoa to và thơm hơn những nơi khác.

4/ Chuẩn bị trồng hoa hồng Đà Lạt

4.1 Vị trí trồng

Vị trí để trồng cây hay đặt chậu nên là nơi có nhiều ánh sáng, không bị che khuất bởi bóng cây xung quanh.

Vị trí trồng cũng phải đảm bảo điều kiện thông thoáng, thoát nước tốt và không quá ẩm ướt.

Trước khi trồng, bạn phải thực hiện phát dọn cỏ, làm vệ sinh vườn nhà và nếu có thể hãy phun thuốc trừ nấm cho khu vườn.

4.2 Đất trồng

Đất để trồng hoa hồng Đà Lạt phải có nhiều dinh dưỡng, thông thoáng tốt và không mang mầm bệnh.

Điều kiện tốt nhất, bạn nên sử dụng đất trồng hoa và cây cảnh, là loại đất phối trộn sẵn ở các cửa hàng uy tín. Hoặc bạn cũng có thể trộn hỗn hợp đất trồng theo công thức sau: 50% Đất phù sa, 30% Trấu/xơ dừa, 15% Phân trùn quế, 4% Đá Perlite và 1% chế phẩm trichoderma.

4.3 Chọn cây giống

Bạn có thể mua cây giống hoa hồng Đà Lạt tại các cửa hàng bán hoa uy tín. Cây được chọn phải còn tươi, hệ rễ phát triển tốt, cây không bị các loại bệnh và sinh trưởng khỏe mạnh.

Trước khi trồng, để đảm bảo cây ra rễ tốt, bạn nên ngâm cây giống vào dung dịch thuốc kích thích rễ trong 3-5 phút.

5/ Kỹ thuật trồng hoa hồng Đà Lạt

– Đối với trồng hoa hồng Đà Lạt bằng chậu: Rải một lớp sỏi mỏng ở đáy chậu, cho lớp giá thể đã chuẩn bị sẵn vào ½ thể tích chậu. Đặt cây giống vào giữa chậu, lưu ý tốt nhất phải giữ nguyên bầu đất của cây. Dùng giá thể còn lại lấp đầy chậu cho đến khi cách miệng chậu 1-2cm. Tiến hành tưới nước vào chăm sóc cây ở vị trí râm mát.

Lưu ý: Chậu phải có kích thước phù hợp với kích thước cây, có thể dùng cọc để cố định thân cây trong điều kiện nhiều gió.

– Đối với trồng hoa hồng Đà Lạt trong đất: Sau khi đã phát dọn vị trí trồng, tiến hành đào hố với kích thước 60x60x60cm, mỗi cây cách nhau 45cm. Cho hỗn hợp đất trồng vào ½ hố, đặt cây vào chính giữa hố, điều chỉnh hướng cây sao cho phù hợp và lấp đất.

Lưu ý: Khi tiến hành trồng phải loại bỏ lớp nilon ở bầu đất của cây và tránh tổn thương rễ trong khi trồng.

Hoa Hong Da Lat

6/ Cách chăm sóc hoa hồng Đà Lạt sau khi trồng

6.1 Tưới nước

Hồng Đà Lạt thích hợp sinh trưởng ở điều kiện ẩm cao. Vậy bạn nên tưới nước cho cây định kỳ 2 lần/ngày, vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Không nên tưới đẫm, hãy tưới với lượng vừa đủ để không làm cây úng và thối. Ngoài ra, không được tưới cây vào ban trưa, khi trời nóng và nắng gắt vì sẽ khiến cây héo và chết

6.2 Bón phân

Ngoài việc bón lót cho cây vào thời điểm trồng hay thau chậu, bạn phải bón thúc cho cây theo định kỳ. Sau mỗi mùa hoa, cứ 6 tuần/ lần bạn thực hiện bón phân trùn quế cho cây với lượng khoảng 0,5 kg/chậu hoặc 1kg/m2. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung phân vi lượng cho cây để cây ra hoa nhiều và phát triển tốt.

6.3 Phòng trừ sâu bệnh

Hoa hồng Đà Lạt có khả năng kháng bệnh khá tốt. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra cây thường xuyên để có biện pháp xử lý sớm khi gặp sâu bệnh. Đồng thời, tiến hành làm đất và làm cỏ định kỳ mỗi tháng để xử lý ổ bệnh. Phun thuốc phòng nấm định kỳ 2 tuần/lần để phòng bệnh tấn công cây.

Khi nhiễm bệnh, hãy thực hiện cách ly cây, cắt bỏ cành lá nhiễm bệnh và phun thuốc trừ bệnh cho cây theo chỉ định trên bao bì.  

7/ Phương pháp nhân giống hoa hồng Đà Lạt

Hiện nay, để nhân giống hoa hồng Đà Lạt người ta thực hiện nhiều phương pháp như: Giâm, chiết, ghép,… Trong đó, giâm và chiết cây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất.

– Nhân giống hoa hồng Đà Lạt bằng giâm cành: Tiến hành chọn một cành bánh tẻ của cây, cành có kích thước bằng que đũa và không bị sâu bệnh. Dùng kéo cắt cành thành các đoạn hom với 3-4 mắt, dùng dao gọt vết cắt cho nhẵn. Nhúng cành vào dung dịch thuốc kích rễ IAA hoặc NAA với nồng độ từ 2000-2500 ppm. Cắm cây vào giá thể (50% Đất: 40% trấu/xơ dừa: 10% Đá Perlite) và dùng bao nilon bọc cây lại để tránh thoát hơi nước. Sau 1-2 tháng cây sẽ ra rễ con.

– Nhân giống hoa hồng Đà Lạt bằng chiết cành: Chọn ở cây mẹ một cành bánh tẻ khoẻ mạnh. Tiến hành khoanh 2 vòng tròn ở gần gốc cành, cách nhau 1-2cm và tiến hành bóc vỏ. Dùng dao cạo lớp nhựa ở giữa của cây và để khô trong 1 tuần. Bôi dung dịch thuốc kích rễ lên vết khoanh và bọc lại bằng đất vào bao nilon. Sau một tháng cây sẽ ra rễ ổn định.

Hoa Hồng Đà Lạt là một loài hoa đẹp, thơm và tương thích với nhiều loại khí hậu khác nhau. Cây tương đối dễ trồng, vì thế thật sự không khó để có thể sở hữu một chậu hoa hồng xinh đẹp cho chính khu vườn của mình. Bất cứ thắc mắc nào cần tư vấn, vui lòng liên hệ đến Hotline 0902.652.099 để được hướng dẫn nhanh và chính xác nhất nhé!

Sfarm.vn

*Xem thêm

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết