Hướng dẫn cách trồng nho bằng cành đơn giản & thành công

2658 lượt xem

Hiện nay, cách trồng nho bằng cành đang ngày càng phổ biến bởi nó khá đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, để trồng được cây nho ít sâu bệnh, sai quả và quả ngon ngọt thì không phải ai cũng biết. Vì thế, bạn hãy theo dõi bài viết sau, Đặng Gia Trang sẽ hướng dẫn cách trồng nho bằng cành đơn giản và thành công ngay tại nhà nhé!

1/ Đặc điểm của cây nho

Cây nho thuộc loại cây dây leo thân gỗ, có nguồn gốc từ vùng ôn đới như Iran, Nam Mỹ và châu Âu. Trước đây, Việt Nam chưa có đủ điều kiện để trồng thì quả nho phải nhập khẩu đắt đỏ. Hiện nay, khoa học phát triển nên cây nho đã được trồng phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đặc điểm cây nho là thân leo, lá mọc xum xuê tạo thành giàn. Lá nho màu xanh đậm, dày, cứng và xung quanh mép lá có hình răng cưa. Hoa nho màu trắng, rất nhỏ tạo thành từng chùm nổi bật trên giàn lá xanh mướt.

Quả nho mọc thành chùm, có màu sắc khác nhau tùy giống cây. Lúc còn non, quả nho màu xanh bóng và chuyển sang màu đỏ tía, tím hay đen khi chúng chín. Nho thường có vị thơm ngon, ngọt mát hoặc hơi chua tùy loại.

2/ Thời gian trồng

Để trồng nho cho năng suất cao tại nhà, bạn có thể trồng vào bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng phải áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, thời điểm trồng nho lý tưởng nhất là khi mùa mưa kết thúc, tức là khoảng tháng 11 đến tháng 1.

3/ Chuẩn bị giống nho trồng

3.1 Chọn giống

Tại Việt Nam, hiện nay có rất nhiều giống nho khác nhau có thể trồng tại nhà. Mỗi giống nho lại có kích thước, màu sắc và hương vị riêng biệt. Do đó, bạn cần tìm hiểu và lựa chọn giống nho có đặc điểm sinh trưởng phù hợp với nhu cầu, môi trường của mình.

Bạn có thể trồng giống nho Pháp quả xanh hoặc quả tím, hay giống nho Ninh Thuận. Dù chọn giống nào thì bạn cũng nên chú ý phân biệt giữa loại trồng để ăn và sản xuất ra rượu nhé. Chẳng hạn, đối với nho Ninh Thuận thì giống NH01-48 và NH01-93 là loại trồng để ăn, còn nho NH02-90 là loại trồng để sản xuất rượu.

3.2 Chuẩn bị cành nho để trồng

Đầu tiên, bạn phải chọn những cây mẹ ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao và chất lượng quả to đều, đẹp và vị ngọt. Cành giống phải là những cành bánh tẻ, bụ bẫm và khỏe mạnh.

Khi cắt cành giống, hãy lưu ý mỗi đoạn cành dài khoảng 20cm và có tối thiểu 3 mắt ngủ. Nên cắt chéo góc khoảng 45 độ ở đầu dưới của đoạn cành.

4/ Đất và vị trí trồng

Cây nho ưa đất có đặc điểm tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Vì thế, để cây nho đạt năng suất cao, chất lượng quả tốt thì nên trồng nho trên đất phù sa ven sông. Bên cạnh đó, cây nho có thể thích nghi được trong môi trường đất thịt, đất cát hoặc đất sỏi nhưng cần phải bón thêm phân hữu cơ và chất khoáng. Đất trồng nho phải có độ pH từ 6 – 7, nếu pH < 5 thì bón thêm vôi còn nếu pH > 7 thì rửa phèn cho đất.

Thuận tiện và đơn giản hơn, bạn có thể tham khảo những loại đất sạch trên thị trường dành cho từng loại cây trồng. Chẳng hạn, đất sạch hữu cơ Sfarm là sản phẩm đảm bảo chất lượng, dễ dàng vận chuyển và an toàn cho sức khỏe. Đất sạch Sfarm đã được xử lý mầm bệnh, phối trộn phân hữu cơ với tỉ lệ phù hợp với nhu cầu từng loại cây.

Nho thuộc loài cây lâu năm nên vị trí trồng phải cố định, đảm bảo có nhiều không gian để cây nho phát triển. Trồng nho ở những nơi có nhiều ánh nắng, thoát nước tốt, đất rộng, không có cây to mọc và đủ chỗ để làm giàn nho.

5/ Cách trồng nho bằng cành đơn giản

Để cách trồng nho bằng cành hiệu quả, bạn phải tiến hành giâm cành trước khi đem ra trồng ở nơi cố định. Trước tiên, bạn đem cành nho nhúng vào dung dịch NAA hoặc IBA nồng độ 1000 – 2000 ppm. Sau đó, đem giâm cành trong cát hoặc mùn cưa, đặt trong bóng râm và tưới ẩm đầy đủ. Khoảng 1 – 2 tuần, khi vết cắt phía gốc có sẹo, mắt ngủ bắt đầu nảy thì đem cành giâm trong bầu đất chứa hỗn hợp đất, cát và phân hữu cơ với tỉ lệ 1:1:1. Chăm sóc khoảng 20 – 40 ngày sau giâm, khi cành ra rễ và mọc cây thì có thể đem đi trồng.

Đào một hố sâu ở vị trí đất trồng đã chuẩn bị sẵn để trồng cây con. Trồng cành nho sao cho đất phủ kín toàn bộ rễ, chừa ra phần chồi cây nhô lên khỏi mặt đất. Nén đất xung quanh gốc để cây nho không bị đổ. Cuối cùng, làm ẩm đất với lượng nước tưới vừa đủ.

Hướng dẫn cách trồng nho bằng cành

Cách trồng nho bằng cành cho quả chất lượng

6/ Cách chăm sóc nho

6.1 Tưới nước

Nước tưới ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất cây nho. Tuy nho cần rất nhiều nước nhưng nếu bị ngập úng sẽ làm đất thiếu oxy khiến cho rễ chết dần.

Tùy vào điều kiện thời tiết và nhiệt độ để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp. Mùa nắng thì cây nho cần nhiều nước hơn, còn mùa mưa nên giảm lượng nước tưới. Đặc biệt, vào thời kỳ cây ra hoa hoặc quả thì cần tăng cường lượng nước tưới để chúng phát triển tốt hơn.

6.2 Cắt tỉa cành

Kỹ thuật cắt tỉa cành rất quan trọng trong cách trồng nho bằng cành. Nho ra quả trên cả các cành non nhưng thường sẽ nhỏ và năng suất không cao. Do đó, bạn cần cắt tỉa những quả nho và dây nho non, chỉ để lại cành quả to khỏe mọc ra từ thân.

Thời điểm tỉa nho nên tránh những thời kỳ quả đã lớn, đã chín hoặc khi thời tiết mưa gió nhiều. Bạn có thể cắt tỉa cành vào những khoảng thời gian từ tháng 12 – 1, từ tháng 9 – 10.

6.3 Tỉa nho trong thời kỳ ngủ đông

Thời kỳ nho ngủ đông là vào cuối đông, tức là khoảng tháng 3 khi thời tiết đã bớt lạnh giá. Việc tỉa nho trong thời kỳ ngủ đông là rất cần thiết, bạn không được bỏ qua. Nếu không thực hiện, các cành nho sẽ có hiện tượng chảy nhựa, mất dần sức sống, mùa sau cho năng suất thấp, tệ hơn là cây nho sẽ bị chết.

6.4 Phủ bề mặt trồng

Phủ bề mặt trồng quanh gốc cây có tác dụng điều hòa nhiệt độ đất, giữ nước và chống úng, không khí luôn thông thoáng. Hiện nay, việc sử dụng các viên đất nung phủ trên bề mặt đất trồng đang rất phổ biến. Bạn chỉ cần phủ 1 lớp viên đất nung dày khoảng 5 – 10cm, giúp việc tưới nước đơn giản hơn, giữ ẩm tốt, lưu thông không khí và hạn chế cỏ dại.

Việc chọn kích thước viên đất nung phải thích hợp với từng loại cây và kích cỡ chậu trồng. Bạn có thể tham khảo viên đất nung Sfarm có đủ kích cỡ nhỏ 5 – 10mm và lớn 10 – 20mm phù hợp cho nhiều loại cây trồng.

7/ Cách làm giàn cho nho

Cây nho có dạng thân leo nên cần phải làm giàn để chúng có thể phát triển tốt nhất. Xây trụ bê tông hoặc các thanh nhôm cắm cao khoảng 2 – 2,2m làm trụ. Sau đó, sử dụng các thanh nhôm, thanh sắt nhỏ hơn nhưng phải cứng cáp gác ngang lên đầu các trụ. Phía trên các thanh ngang thì dùng dây kẽm lớn để căng thành một tấm lưới.

Sau khi làm giàn xong, cắt bỏ những cành dư thừa, để lại cành ngọn khỏe nhất buộc lên giàn để chúng leo lên. Có 2 cách thực hiện bấm ngọn để cây nho leo giàn:

7.1 Cách 1

Khi cây nho đã leo gần tới giàn, cách giàn 20 – 25cm thì bạn bấm ngọn để cây có 3 – 4 cành cấp 1 phân bố đều về các hướng. Khi cành cấp 1 dài khoảng 50cm, bạn cũng ngắt ngọn để mỗi cành cấp 1 cho 2 – 3 nhánh cấp 2. Tiếp tục làm như vậy để cành cấp 2 có khoảng 3 – 4 cành cấp 3, và đây sẽ là cành quả. Cách làm này sẽ giúp cây nho nhanh phủ kín giàn và mau ra quả nhưng sẽ khiến cành yếu và dễ bị chết hoặc sau 2 – 3 năm thu hoạch sẽ không ra quả nữa.

7.2 Cách 2

Để khắc phục cách làm trên, bạn đợi khi cây nho đã leo cao hơn giàn khoảng 20cm thì cắt tỉa ngọn để có 2 – 4 cành cấp 1. Chăm sóc đến lúc cành cấp 1 dài khoảng 80 – 100cm thì tiếp tục bấm ngọn để cây có khoảng 10 – 20 cành cấp 2, gọi là cành quả. Như vậy dù cây nho phủ giàn chậm nhưng tỉ lệ cành chết là thấp và ra quả cũng sai hơn.

Các cành nho leo giàn cần được buộc chặt vào giàn để tránh bị ảnh hưởng bởi gió, và đặc biệt không để các cành đè lên nhau. Nên sử dụng những loại dây có khả năng tự hủy để buộc cành như dây chuối,…

8/ Cách bón phân cho nho

Đất trồng của bạn đã được đảm bảo dinh dưỡng trước khi trồng, do đó, trong năm đầu tiên, bạn không cần bón phân. Từ năm thứ 2, bạn có thể tiến hành bón phân để tăng cường dưỡng chất cho cây phát triển. Trồng nho tại nhà, nên chủ yếu sử dụng những loại phân hữu cơ như phân bò, phân dê, phân gà, phân trùn quế, mùn trấu,… để bón cho đất để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bón thêm đạm SA trước khi cắt cành và khi cây ra lá, ra hoa hay KCl Kali khi quả đang lớn. Lưu ý pha loãng nước và phân theo tỉ lệ 2:1 để cây nho hấp thụ tốt hơn.

9/ Phương pháp phòng trừ sâu bệnh

Một số loại sâu bệnh thường gặp

– Nhện đỏ hút nhựa khi cây ra chồi mới khiến các chồi non chết khô

– Bọ rầy, rệp tấn công lá, thân và khiến ngọn bị héo, quả bị nhỏ và nứt

– Bệnh phấn trắng nếu xuất hiện những đốm màu vàng xanh phủ khắp thân cây, vết bệnh có bột màu trắng

Cách phòng trừ

Đối với trồng nho bằng cành tại nhà, trước khi phải sử dụng đến những loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại sức khỏe, bạn cần áp dụng triệt để những biện pháp thủ công phòng ngừa sâu bệnh trong quá trình trồng và chăm sóc cây nho.

– Đảm bảo cành giống khỏe mạnh và kháng bệnh tốt trước khi trồng.

– Đất trồng đã được xử lý sạch mầm bệnh.

– Vị trí trồng nho phải ở những nơi thông thoáng để phòng bệnh nấm trắng.

– Thường xuyên làm sạch cỏ dại để tránh hút hết dinh dưỡng và hạn chế mầm bệnh.

– Dùng lưới che phủ khi nho ra quả để bảo vệ nho khỏi chim chóc.

– Sử dụng thiên địch để tiêu diệt các loại sâu hại tấn công, ví dụ bọ rùa là thiên địch giúp trừ bọ rệp.

10/ Thu hoạch và bảo quản nho

Thông thường, thời điểm thu hoạch nho thường vào cuối hè hoặc đầu thu. Khi thu hoạch, phải đảm bảo là nho đã chín vì sau khi quả nho được hái xuống sẽ không thể tiếp tục chín mà sẽ hỏng dần theo thời gian. Bạn có thể dựa vào kích thước, màu sắc, hình dáng và hương vị để nhận biết nho còn xanh hay đã chín. Tùy từng giống nho mà màu sắc, hình dáng và hương vị khi chín của chúng cũng khác nhau. Nhưng nếu quả mềm, căng mọng nước và có vị ngọt thì là những quả đã chín và sẵn sàng để thu hoạch. Lưu ý là nên ngắt nho theo từng chùm và cắt từ cuống.

Sau khi thu hoạch, có thể lưu trữ quả nho ở nơi khô ráo, thoáng mát và không có ánh nắng khoảng 6 tuần. Nếu trồng nho với nhu cầu tiêu thụ trong gia đình, bạn có thể rửa sạch, để ráo nước rồi bảo quản trong tủ lạnh. Khi sử dụng, có thể ăn trực tiếp hoặc làm mứt hay nước ép hoa quả,… Bảo quản nho thì cần chú ý tách riêng chúng bằng các loại hộp để nho không thể hấp thụ mùi của những loại trái cây khác.

Như vậy, Đặng Gia Trang tin rằng việc trồng nho tại nhà sẽ trở nên vô cùng đơn giản nếu bạn đã tham khảo bài hướng dẫn cách trồng nho bằng cành trên đây. Chúc bạn thành công với giàn nho tươi xanh, ra quả nhiều, to và ngon ngọt cho gia đình mình nhé.

Mọi chi tiết thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099!

Sfarm.vn

*Xem thêm:

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)