Kỹ thuật trồng nho trên sân thượng cho quả to ngon ngọt

2174 lượt xem

Nho là loại trái cây phổ biến ở Việt Nam, vừa ngon ngọt thanh mát, lại vô cùng bổ dưỡng. Chính vì thế mà nho cũng trở thành loại cây ăn trái được nhiều người trồng tại nhà. Đặc biệt, thời điểm mùa hè này chính là mùa tốt nhất để bắt đầu trồng nho trên sân thượng. Bạn đã biết cách trồng nho thế nào chưa, nếu chưa thì tìm hiểu ngay bài viết dưới đây của Đặng Gia Trang nhé!

1/ Chuẩn bị dụng cụ

1.1 Chậu trồng

Có thể trồng nho trong khay, chậu, thùng xốp hoặc mảnh đất trống trong vườn nhà, kích thước chậu nhỏ nhất là 50x50x50cm. Chậu trồng càng to càng tốt, cỡ nửa thùng phuy hoặc mua 2 thùng xốp về ghép lại. Thường thì cây lớn đến đâu thì ghép thùng xốp đến đó. Thùng xốp phải có đục lỗ thoát nước dưới đáy hoặc bên thành thùng.

1.2 Đất trồng

Phương pháp 1: Tự trộn đất

Để nho lớn nhanh sai quả, cần chú trọng đến đất trồng và cách bỏ đất vào chậu trồng. Đất trồng có thể trộn bao gồm: 4 đất sạch, 2 cát, 2 phân trùn, 1 mụn dừa, 1 trấu hun tất cả trộn đều.

Tiếp theo là thêm 200gr bột bánh dầu đậu phộng, 1 nắm vôi bột để diệt khuẩn. Trộn đều tất cả và tưới nước đẫm, phơi nắng từ 7 – 10 ngày.

Vôi và ánh nắng sẽ giúp diệt khuẩn có trong phân đất giúp tránh được rất nhiều bệnh về rễ.

Trước khi chuyển cây giống vào thùng trồng thì rắc một nắm tay nấm Trichoderma vào đất và trộn đều, rắc thêm một lớp mỏng ở hố trồng. Nấm Trichoderma là vi sinh rất tốt cho đất và bảo vệ bộ rễ.

Phương pháp 2: Dùng 100% đất sạch SFARM chuyên dùng cho cây ăn quả

Đất sạch đã được trộn sẵn theo tỉ lệ vàng từ công thức của chuyên gia với: than bùn, trấu hun, mụn dừa, phân trùn quế, phân gà, vôi, bột neem, vi sinh vật,… cực phù hợp đặc tính của cây nho.

Giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thông thoáng giúp nho phát triển toàn diện từ khi trồng đến khi thu hoạch. Trong quá trình trồng chỉ cần bón thêm kali, lân,..

Sử dụng ngay chẳng cần trộn đất, bón phân hay chia thời gian ủ với vôi và không cần ủ Trichoderma.

1.3 Cây nho giống

Đầu tiên là nên chọn nơi bán cây giống uy tín. Cây nho giống nên là cây ghép cành, thân to cỡ cây bút chì, tránh mua loại thân như cổ thụ bị cắt ngắn lại, đây là gốc nho đã già cỗi.

Cây nho giống

Cây nho giống

2/ Tiến hành trồng nho sân thượng

Bước 1: Chậu trồng sẽ được trải một lớp viên đất nung (đã ngâm xả với nước) lót đáy chậu tầm 5cm. Lớp viên đất nung này sẽ giúp cho đất không làm bít lỗ thoát nước gây ngập úng, giúp thông thoáng bộ rễ. Sau đó cho đất đã chuẩn bị ở trên vào chậu cách mặt chậu khoảng 4cm.

Bước 2: Lấy cây giống ra đặt vào giữa chậu, một tay giữ cây, một tay lấp đất phủ kín gốc cây.

Bước 3: Khi trồng sang chậu nên trồng vào buổi chiều mát, trồng xong thì tưới thật đẫm nước đến khi thấy nước chảy ra khỏi lỗ thoát. Mỗi ngày, nên tưới nước 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.

3/ Chăm sóc

3.1 Bón phân

Cứ khoảng 15 – 20 ngày thì bón phân chuồng ủ hoai 1 lần (phân bò, phân gà, phân trùn quế có loại nào dùng loại đó). Ngoài ra bón thêm phân ủ bột bánh dầu, phân ngâm enzyme từ vỏ trái cây để phun tưới cho cây.

Khi cành cấp 1 dài ra tầm 1m5, ngoài phân chuồng bón định kì ra thì cần tưới thêm dịch chuối để bổ sung Kali cho cây năng ra hoa, tăng đậu quả.

3.2 Làm giàn

Chuẩn bị giàn ngay khi mới trồng. Vật liệu làm giàn có thể là thanh sắt, thanh tre hoặc dây kẽm để nho có thể leo lên giống như giàn bí mướp thông thường.
Hoặc chỉ cần cắm cọc, tạo một khung hình thành 1 giàn hình tròn mini quanh chậu,cho cây leo xung quanh khung. Chiều cao của 2 loại giàn trên đều từ 1,8 – 2m.
Sau khi làm giàn xong, bạn cần buộc ngọn nho lên giàn để chúng bắt đầu leo lên và sinh trưởng.

3.3 Cắt tỉa

Thường xuyên nhặt bỏ hết chồi nách (nhánh con mọc giữa thân và nách lá) cho đến khi cây vượt qua khỏi giàn 1 mét thì bấm ngọn để mầm ngủ bung ra, chọn 2 – 3 nhánh khỏe dài nhất giữ lại làm cành cấp 1.

Tiếp tục chăm sóc đến khi cành cấp 1 dài ra tầm 1m5 thì cắt ngọn để kích cành cấp 2. Từ cành cấp 2 nếu cây khỏe thì có thể ra bông.

Thường xuyên tỉa bỏ các chồi không cần thiết, chồi yếu. Nhặt bỏ các lá già úa và bị sâu bệnh sẽ giúp cho giàn nho thông thoáng. Ngoài ra cũng cần tỉa bớt những chùm bông nhỏ, các quả nhỏ, quả bệnh để cả chùm phát triển đồng đều. Nên tỉa quả ở giai đoạn 10 ngày sau khi đậu quả.

3.4 Sâu bệnh

Cây còn nhỏ rất dễ bị sâu bệnh tấn công nên những ngày trời âm u hay mưa liên tục thì nên phun thuốc phòng nấm bệnh cho cây. Có thể sử dụng Antracol và nấm xanh để phun phòng bệnh cho cây.

4/ Thu hoạch

Khi sang chậu đến khi kích cành cấp 2 mất khoảng 4 – 5 tháng, từ khi cành cấp 2 ra bông đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng. Vì thế, từ 7 – 8 tháng là bạn đã có thể tự tay hái những chùm nho tự trồng tự chăm rồi. Sau khi thu hái đợt đầu, nên tiếp tục bón phân, dưỡng cây khoảng 20 ngày để có thể cắt cành cấp tiếp theo nhằm kích ra bông.

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về kỹ thuật trồng nho sân thượng mà Đặng Gia Trang cung cấp cho bạn. Nếu bạn thích tự tay hái những trái nho do mình trồng nên thì nhanh tay trồng ngay nhé. Chúc bạn thành công.

Sfarm.vn

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
5/5 - (1 bình chọn)