TRỒNG MÍT BẰNG PHÂN HỮU CƠ Ở ĐẮK LẮK

195 lượt xem

Hơn 10 năm qua, một bộ phận người dân thuộc diện nghèo, không có đất sản xuất của Bến Tre đến vùng kinh tế mới ở Đắk Lắk, Bình Phước để lập nghiệp. Nhờ tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động, người dân đã thích nghi với điều kiện mới, vươn lên có cuộc sống no ấm, đủ đầy. Bằng những mô hình thiết thực, trong đó mô hình trồng mít giúp người dân thay đổi kinh tế nhiều nhất.

Đổi thay trên vùng kinh tế mới

Tháp tùng cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Bến Tre đến thăm dân vùng kinh tế mới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì giữa núi rừng hoang vu, heo hút lại ẩn hiện những vườn cây xanh tươi, trĩu quả. Đó là vườn mít siêu sớm của anh Nguyễn Văn Huệ ở thôn 7, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp.

Năm 2003, để thoát khỏi cảnh thiếu thốn, anh Huệ đã rời quê nhà – xã Tam Phước, huyện Châu Thành, đến Ia Rvê lập nghiệp. Anh Huệ nhớ lại: Những năm đầu mới lên, vùng kinh tế còn hoang sơ, chỉ trồng được mì, xoài, nhưng hiệu quả không cao, làm cho nhiều người nản chí. Nhờ kiên trì, nhẫn nại, anh đã cải tạo chuyển đổi cây trồng thích nghi với điều kiện vùng đất Tây Nguyên này.

Không ngừng tìm tòi, cuối cùng anh cũng chọn được giống mít siêu sớm trồng trên vùng đất khó khăn. 1,5ha đất trồng mít siêu sớm đã đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình; với năng suất đạt trên 20 tấn/ha. Vụ đầu thu hoạch hơn 1 tấn, giá bình quân 10 ngàn đồng/kg, anh thu trên 12 triệu đồng. Anh Huệ phấn khởi chia sẻ: “Cây mít rất thích hợp, phát triển tốt trên vùng đất này. Ước tính từ năm thứ 3 trở đi, cây trồng cho trái thu hoạch được 200 triệu đồng/năm”.

Được biết, mít là loại cây dễ chăm sóc. Hàng tháng bón phân hữu cơ định kỳ và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, không tốn nhiều chi phí mà có lãi cao. Theo anh Huệ, thời gian cây mít cho trái khá dài. Tùy theo cách chăm sóc, trung bình mỗi trái nặng từ 10kg trở lên, đem lại lợi nhuận cao hơn các chủng loại cây trồng khác. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, anh Huệ trang bị hệ thống nước tưới nhỏ giọt. Mặc dù vùng Tây Nguyên khan hiếm nguồn nước nhưng vườn mít gia đình anh vẫn phát triển xanh tươi.

Anh Huệ bộc bạch: “Trồng trọt cần nhất là nguồn nước nhưng để có nguồn nước dồi dào là còn xa xỉ trên vùng cao nguyên. Không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ trong thôn rất mong chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để người dân an tâm bám trụ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Nguyễn Thành Tập ở thôn 6, xã Ia Rvê, đã trải qua chặng đường 12 năm “cày sâu cuốc bẫm” mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2002, sau khi được cấp 1ha đất, ông Tập làm rẫy, trồng mì, thu nhập chỉ đủ sống. Đến năm 2003, ông Tập được hưởng chế độ hỗ trợ bò của Chi cục Di dân (cho mượn con giống luân phiên xoay vòng cho người dân trên vùng kinh tế mới). Từ đó, ông có điều kiện vươn lên. Đến nay, ông có 30 con bò; trung bình mỗi năm thu trên 30 triệu đồng.

Nhờ vậy, gia đình ông Tập trở nên khấm khá, có điều kiện lo cho con cái học hành và hứa hẹn một ngày gần nhất về thăm lại quê hương. Ông Tập chia sẻ: “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm số lượng đàn bò. Nuôi bò không vất vả, nguồn thức ăn dễ tìm, có thể thả rong trên đê, triền suối. Bò là con vật có sức khỏe chịu được thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên thay đổi của Tây Nguyên”.

Theo ông Nguyễn Văn Màng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rvê, đa số hộ dân trong xã là người Bến Tre di dân. Từ chưa quen thời tiết vùng cao, nhiệt độ lên xuống thất thường, đến nay, các hộ dân đã khẳng định sự chịu khó bằng những mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, hộ anh Nguyễn Thành Tập, anh Nguyễn Văn Huệ là một trong những gia đình thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi, sản xuất trên vùng kinh tế mới. Địa phương đang tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân có kiến thức, áp dụng vào trồng trọt và chăn nuôi.

Giữ trọn tình quê

“Nhớ, nhớ lắm, quê hương mình mà sao không nhớ được, nhất là lúc đón Tết về, thấy lòng nôn nao nhớ quê cồn cào. Mỗi khi có đoàn Bến Tre lên thăm, mọi người ở đây mừng lắm” – anh Võ Thành Cư, một trong những người dân Bến Tre đang sinh sống, lập nghiệp tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước bày tỏ.

Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 1 ngàn hộ dân Bến Tre sinh sống, lập nghiệp (gồm những người đi theo chương trình di dân xây dựng vùng kinh tế mới ngoài tỉnh và những người di dân tự do). Phần lớn, người dân Bến Tre sinh sống tại đây bằng nghề nông (trồng điều, cà phê, cao su…).

Một bộ phận sống bằng nghề buôn bán, làm việc tại các công sở. Cuộc sống “người xứ Dừa” tại vùng đất nắng khô hanh tưởng chừng “bó khó” nhưng mỗi ngày đã mở ra, phát triển nhiều hơn nhờ những bàn tay lao động cần cù, chịu làm – biết nghĩ trên nền tảng định hướng của Đảng bộ và chính quyền địa phương, sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Phải khẳng định, người dân Bến Tre tại các vùng kinh tế mới chưa bao giờ đơn độc. Tuy còn một số ít người có cuộc sống còn khá vất vả nhưng vẫn được sự đùm bọc của những người đồng hương và sự hỗ trợ từng lúc của lãnh đạo hai tỉnh Bình Phước – Bến Tre. Điều đáng phấn khởi, phần lớn người dân Bến Tre tại đây đều có cuộc sống khấm khá, nhiều người đã “tậu” thêm đất đai và xây dựng nhà cửa khang trang.

trongmit-phantrunque2

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà Tết cho hộ dân Bến Tre lập nghiệp tại Bình Phước

Ông Trần Đức Quốc – Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết: “Đối với bà con Bến Tre lên lập nghiệp tại địa bàn xã Bình Minh, chúng tôi xem là những công dân sở tại, thường xuyên chỉ đạo các ngành quan tâm, hỗ trợ trong mọi việc, nhất là định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều rõ nét, người dân Bến Tre rất gần gũi, hòa đồng và tình cảm với cộng đồng. Đặc biệt, với tinh thần lao động cần cù, luôn chịu thương, chịu khó, đối diện với khó khăn bằng sự mạnh mẽ, họ không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình mà cũng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế tại địa phương”.

Có lẽ, đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho cuộc sống của người dân Bến Tre tại đây khá hơn. Hộ anh Nguyễn Văn Phong là một điển hình. Anh Phong quê ở huyện Thạnh Phú, lên Bình Phước lập nghiệp hơn 15 năm qua (hiện anh đang sống tại xã Bình Minh, Bù Đăng). Anh trồng điều và cà phê.

Thời gian đầu còn nhiều khó khăn, sau quá trình phấn đấu lao động, hiện anh đã có hơn 2 mẫu đất, mỗi năm thu hoạch đạt hơn 130 triệu đồng, cuộc sống khá sung túc. Anh Phong không phải là trường hợp “hiếm” mà còn nhiều người Bến Tre đã có cuộc sống khấm khá hơn trước.

Không chỉ phát triển trong kinh tế, người Bến Tre còn đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển của chính quyền sở tại. Anh Nguyễn Văn Ngoan, hiện là Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, đã có nhiều tâm huyết cho hoạt động Hội và được nhận nhiều bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, UBND tỉnh Bình Phước. Hai con gái sinh đôi (hiện đang học lớp 6) nhiều năm liền là học sinh giỏi, đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, thầy cô giáo nhận xét ngoan và lễ phép.

“Quê hương là chùm khế ngọt…”, câu hát đã đi vào trong tim mọi người, thổn thức lời trái tim muốn nói, nhất là những con người phải sống xa quê hương. Dù đường sá, phương tiện thông tin liên lạc đã thuận tiện hơn, ở “quê này” và “quê kia” cũng không còn cách trở khó khăn. Nhưng dù sao, không được tận hưởng cái Tết nơi “chôn nhau cắt rốn” mỗi khi Xuân về, làm những người xa xứ bồi hồi, thương nhớ đất quê hương. Nhiều anh chị đang sinh sống tại tỉnh Bình Phước đã nghĩ cách sưởi ấm lòng nhớ quê bằng việc thường nghe các bài hát về Bến Tre, xem tin tức Đài Phát thanh – Truyền hình Bến Tre, gọi điện thoại về quê thăm hỏi người thân và những người cùng quê… Đặc biệt, những lần đoàn cán bộ Bến Tre lên thăm và chúc Tết, người dân Bến Tre sống tại đây rất vui mừng. Bởi, đó là tình cảm – món quà nghĩa tình mang hương vị quê nhà xứ Dừa, làm ấm lòng những người xa xứ.

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết