Trồng dưa lê ở Gia Lộc

166 lượt xem

Dưa lê là cây trồng ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn huyện Gia Lộc, Hải Dương, dưa lê là cây rau màu chính ở vụ xuân hè, vụ hè.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế cây dưa lê, thuận lợi cho bố trí thời vụ cây vụ đông sớm, Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc đã thực nghiệm mô hình dưa lê tái sinh 3 vụ SX từ năm 2010 – 2012. Qua thực nghiệm, sau cắt tỉa và bón phân để dưa lê tái sinh khoảng 20 ngày đã được thu hoạch, vụ dưa tái sinh khoảng 30 – 35 ngày, năng suất vụ tái sinh đạt 50 – 60% chính vụ, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 1 sào cho thu nhập 1,2 – 3 triệu đồng.

Trồng dưa lê ở Gia Lộc

Vườn trồng dưa lê của nông dân ở Gia Lộc

Trồng dưa lê để tái sinh cho thu nhập cao, giá trị 1 ha trên 200 triệu đồng, mấy năm qua diện tích trồng để dưa lê tái sinh ở Gia Lộc ngày càng tăng. Từ thực tiễn SX, xin giới thiệu kỹ thuật để dưa lê tái sinh. Dưa lê là cây ưa nhiệt, vùng đồng bằng sông Hồng thời vụ thích hợp để gieo trồng từ tháng 3 đến ngày 20/9 và là cây có khả năng tái sinh mạnh.

Dưa lê tái sinh có thời gian sinh trưởng kéo dài vì vậy ruộng trồng nên bố trí chân ruộng cao, thuận lợi tưới tiêu, tầng canh tác dày, trồng có che màng phủ ni lông.

Kỹ thuật để dưa lê tái sinh như sau:

+ Phân bón lót: Phân chuồng hoai mục (phân trùn quế) bón lót 300 – 500 kg/sào, cao hơn so với trồng bình thường trung bình 200 kg, bón giữa luống rộng khoảng 30 cm, thoải từ giữa luống về hai bên rãnh, giữa luống cao.

+ Cắt tỉa nhánh và lá già sau thu hoạch vụ chính: Sau khi thu hoạch quả lần 3 cắt các lá già, các nhánh con, trên mỗi nhánh chính để 1 – 2 lá. Sau bón phân 3 – 5 ngày các nhánh tái sinh phát triển, tiến hành tỉa nhánh, trên mỗi nhánh chính để lại 1 – 2 nhánh tái sinh.

+ Bón thúc nẩy nhánh: Sau cắt tỉa tiến hành bón phân ngay, nên sử dụng phân tổng hợp NPK 15-15-15 với lượng 15 – 20 kg và 4 kg ure cho 1 sào Bắc bộ. Cách bón: Vén ni lông, tưới phân phần mép luống hoặc rải phân trên mép luống rồi tưới rãnh.

+ Công tác phòng trừ sâu bệnh như kỹ thuật trồng dưa lê thông thường. Để hạn chế bệnh, trong suốt thời gian sinh trưởng của dưa lê nên tưới rãnh. Do thời tiết vụ hè nắng nóng, mưa nhiều nên bọ phấn phát triển mạnh vì vậy phòng trừ bọ phấn là rất quan trọng

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết