Thuốc trị bệnh tim mạch từ enzyme của trùn quế

270 lượt xem

Tình cờ TS. Nguyễn Thị Ngọc Dao biết được có một loại thuốc là một enzyme có thể làm tan các khối máu cục trong bệnh tim mạch do Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sản xuất bằng cách khai thác từ một loại trùn đất có tên khoa học là Lumbricus rubellus.

Ở VN lại không có loại trùn đó, trùn Lumbricus rubellus chỉ sống ở vùng ôn đới. Chị đã nghĩ, có thể ở vùng núi cao như Sapa sẽ có loại trùn này. Nhưng, qua nhiều lần tìm kiếm ở Sapa, chị cùng các cộng sự cũng không phát hiện được loại trùn ấy và theo các giáo sư chuyên nghiên cứu về trùn, thì VN không có. Chị đã khảo sát trên 9 loại trùn đất VN ở một số tỉnh phía Bắc và chú ý đến một loại trùn có hình dạng, màu sắc tương tự với sự mô tả về con Lumbricus rubellus. Đó là loại Peryonix escavatus có màu đỏ huyết dụ và nhỏ bé (chỉ dài 8 – 12 cm), gọi là trùn quế.

Kết quả khảo sát cho thấy con trùn này có chứa enzyme có thể thủy phân đặc hiệu sỏi fibrin với hoạt tính xúc tác rất cao, có triển vọng khai thác được để làm thuốc.

Đó là công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Ngọc Dao và cộng sự. TS. Ngọc Dao đã tốt nghiệp ở 2 trường đại học lớn ở Hà Nội thời chiến tranh: Đại học Y khoa và ĐH Tổng hợp. Chị là giảng viên khoa Hóa Sinh của ĐH Y Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Viện Hàn Lâm khoa học CHDC Đức, Viện phó Viện Công nghệ sinh học kiêm phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hóa Sinh ứng dụng.

Trong y học cổ truyền Việt Nam, trùn đất (giun) vẫn được dùng trong một số bài thuốc chữa sốt rét, sốt nóng, suy nhược cơ thể, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm tắc mạch ở chi…

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có một công bố nào trên thế giới về enzyme này có mặt trong loại trùn mà chị đang nghiên cứu. Đây là phát hiện mới, có ý nghĩa thực tiễn, vì loại trùn này hiện đang được người dân Việt Nam nuôi ở quy mô lớn để làm thức ăn cho gia súc và làm mồi câu cá. Loại trùn này có hàm lượng đạm rất cao và đặc biệt, chúng có mùi thơm của quế chứ không hôi, tanh như các loại trùn khác.

Chị đã tách chiết, tinh sạch và khảo sát động học enzyme này. Bước đầu đã tách dòng gen mã hóa cho enzyme này. Từ đó, chị đã tạo được bột trùn có hoạt tính làm tan các cục máu đông và đã kiểm nghiệm độc tính cấp tính… và thấy không có tính độc. Bột trùn đã được thử nghiệm và thử dùng cho 50 bệnh nhân ở một trung tâm điều trị Đông y ở Hà Nội kết hợp với châm cứu đã cho kết quả rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với kết quả chỉ châm cứu đơn thuần.

Hiện nay, chị và các cộng sự đang nghiên cứu về gen học để tiến tới tạo enzyme này bằng công nghệ tái tổ hợp gen. Làm như thế sẽ không phải tách chiết từ trùn nuôi và enzyme thu được sẽ tinh khiết hơn, thuận lợi cho việc làm thuốc chữa bệnh tim mạch, chữa những di chứng của nhồi máu đông, tĩnh mạch hoặc não…

Đây là phát hiện mới lần đầu tiên tìm thấy ở trùn quế Peryonix escavatus hiện diện nhiều ở Việt Nam. Công trình nghiên cứu này là một nhánh của đề tài cấp Nhà nước KC04 – 17, trong chương trình trọng điểm Quốc gia giai đoạn 2001 – 2005. Công trình đã được nghiệm thu và đạt điểm gần tuyệt đối. TS. Nguyễn Thị Ngọc Dao và các cộng sự đang nỗ lực tìm được kinh phí để thực hiện hoài bão là tạo ra một loại thuốc mới từ thiên nhiên phong phú của Việt Nam để điều trị cho những căn bệnh đột quỵ, tim mạch…

Sfarm.vn tổng hợp & biên tập

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết