MÔ HÌNH TRỒNG TIÊU SẠCH BẰNG PHÂN HỮU CƠ CỦA TIẾN SĨ LỌC DẦU

150 lượt xem

Chuyện anh Nguyễn Ngọc Luân lấy bằng tiến sĩ lọc dầu ở Cộng hòa liên bang Đức và từ bỏ các công việc hấp dẫn về làm nông nghiệp một huyện thuần nông vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai đã làm nhiều người hết sức ngạc nhiên. Nhưng đối với anh, việc giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của họ là ước mơ đã được ấp ủ bấy lâu nay. Cùng tìm hiểu mô hình trồng tiêu sạch bằng phân hữu cơ của anh để thấy tâm huyết của anh với loài cây này và nền nông nghiệp sạch mạnh mẽ đến mức nào.

Sau khi lấy bằng cử nhân ở Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh ngành nông học và lấy thêm bằng tiến sĩ ngành lọc dầu ở Đức, anh Nguyễn Ngọc Luân đã quyết định trở về quê đầu tư làm nông nghiệp. Hiện nay, anh đang là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lâm San, xã Lâm San, huyện cẩm Mỹ (Đồng Nai) với mô hình làm giàu bằng cách trồng tiêu sạch.

Anh Luân tâm sự: “Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành lọc dầu ở Cộng hòa liên bang Đức, năm 2005, tôi quyết định ngưng một số công việc đang làm tại một số tổ chức quốc tế để về quê ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ làm nông nghiệp”.

trồng tiêu bằng phân hữu cơ

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Luân đang trao đổi với các xã viên về kỹ thuật trồng tiêu sạch.

Quyết định này của anh khiến không ít người bất ngờ, bởi với học vị của mình, anh Luân hoàn toàn có thể kiếm được những công việc có thu nhập cao, nhàn nhã hơn so với nghề nông. Song, theo suy nghĩ của anh, việc làm thế nào để đánh thức và tận dụng những tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam, mới là điều quan trọng hơn tất cả.

Anh cho biết thêm: “Nông nghiệp Đồng Nai có những tiềm năng lớn, vấn đề bây giờ là ngành nông nghiệp vẫn đang có yếu thế trong cạnh tranh. Nông dân chúng ta vẫn còn nghèo, diện tích ruộng đất ít, nhưng nếu biết cách đầu tư, biết ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp sẽ có lợi thế lớn. Như cây tiêu ở xã Lâm San, nếu bây giờ mình áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo nên thương hiệu, có uy tín thì nhất định sẽ xuất khẩu ổn định”.

Để cụ thể hóa ước mơ đánh thức tiềm năng của ngành nông nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Luân đã đứng ra vận động 30 hộ trồng tiêu ở địa phương thành lập HTX Nông nghiệp Lâm San, với diện tích canh tác khoảng 50 ha. Với cương vị là giám đốc HTX, anh đã vận động xã viên trồng tiêu theo phương pháp mới là không sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân vi sinh để chăm sóc cây. Bên cạnh đó, anh còn cấy một loại nấm để chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu – một loại bệnh đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Loại nấm này sẽ ức chế sự phát triển của nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm, hạn chế đến mức thấp nhất gây bệnh trên cây tiêu.

Với quy trình sản xuất tiêu sạch trên, sản phẩm tiêu của HTX luôn được các thương lái tìm đến mua với giá cao khoảng 30% so với các loại tiêu khác. Tuy nhiên, để tăng thêm thu nhập cho xã viên, anh tiến sĩ ngành lọc dầu ngoài 40 tuổi này còn lặn lội mời các công ty chuyên thu mua nông sản đến thăm quan và làm việc với HTX để hợp tác làm ăn, xuất khẩu hạt tiêu ra các nước.

Tiến sĩ Luân khẳng định: “Tính khả thi về khoa học kỹ thuật và thị trường chúng tôi đều đã có. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phải làm sao nâng cao được năng lực của HTX về con người, cũng như về tài chính. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho HTX, nếu có được điều này, sẽ rất dễ dàng mời chào các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt hợp đồng thu mua”.

Còn ông Lê Văn Chỉnh, xã viên HTX Nông nghiệp Lâm San bày tỏ tin tưởng: “Sau khi anh Luân đứng ra làm HTX, tôi thấy các xã viên ngày càng an tâm với cách làm mới này. Trước đây toàn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nay chuyển sang trồng tiêu sạch, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, nên đầu ra rất thuận lợi, dịch bệnh được khống chế, thương lái nào cũng muốn mua và mua với giá cao. Nhiều công ty nước ngoài nghe tiếng họ cũng đã tìm đến”.

Hướng đi trồng tiêu sạch để phát triển bền vững của HTX Nông nghiệp Lâm San bước đầu đã phát huy hiệu quả. Bởi mới đây, nhiều công ty nước ngoài đã đến tìm hiểu, trong đó có một công ty Nhật Bản sau khi lấy mẫu tiêu tại HTX về phân tích, kiểm nghiệm đã đồng ý thu mua ngay 20 tấn tiêu của xã viên trong vụ tiêu sắp tới. Những tấn tiêu đầu tiên được xuất ngoại cũng đã khẳng định sự đúng đắn trong cách nghĩ, cách làm mà “tiến sĩ nông nghiệp” Nguyễn Ngọc Luân đã và đang áp dụng. Xã viên trong HTX đang kì vọng dưới sự dẫn dắt của người giám đốc trẻ đầy nhiệt huyết này sẽ mở ra con đường làm ăn mới trong tương lai – bằng mô hình trồng tiêu sạch bằng phân hữu cơ.

Theo nhandan.com.vn (Sfarm.vn tổng hợp)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết