MẮC CA SAI QUẢ MÙA ĐẦU Ở LÂM ĐỒNG

223 lượt xem

Gần cả tháng qua, vườn mắc ca sai quả mùa đầu của nông dân Lê Đức Ba ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng liên tục mỗi ngày có rất nhiều người đến từ nhiều nơi trong nước để tham quan, tìm hiểu. Đây có thể xem là một tín hiệu mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Lâm Đồng.

Hàng trăm cây mắc ca sai quả mùa đầu

Trong suốt tháng 6/2011, vườn mắc ca rộng gần 8 sào của nông dân Lê Đức Ba ở số 47/3, đường Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương, liên tục đậu quả với tỷ lệ trên 40% số cây. Dự báo với lượng hoa đang nở, đến cuối tháng 11/2011, mắc ca sẽ tiếp tục đậu quả trên 60% số cây còn lại. Năm ngoái, ông Ba thu trái bói khoảng hơn 30 kg hạt mắc ca khô, bán được 6 triệu đồng. Năm nay vườn mắc ca đã gần 5 năm tuổi, chính thức vào mùa thu hoạch đầu tiên, ông Ba ước tính sẽ thu hạt khô trên tất cả hơn 300 cây, trung bình mỗi cây đạt khoảng 7 kg, tổng sản lượng là 2,1 tấn. Tính thành tiền mỗi tấn 200 triệu đồng, ông Ba đạt tổng doanh thu khoảng 420 triệu đồng.

trongmacca-phantrunque

Ông Ba cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình ông trồng cây mắc ca xen canh với cây chuối La Ba trong vườn nhà. Toàn bộ nguồn cây giống mắc ca do Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt cung cấp, gồm hạt giống và mắc ghép. Ông Ba tự ươm hạt giống mọc lên thành cây, rồi ghép với mắc ghép giống của công ty trước khi đưa xuống hố trồng.

Theo hướng dẫn của Công ty Mắt Đá, ông Ba đào hố trồng theo ô vuông, chiều rộng và chiều sâu đều bằng 0,5m. Trước mắt trồng cây cách cây và hàng cách hàng cũng đều với khoảng cách 5m. Có sẵn phân chuồng chăn nuôi tại chỗ, ông Ba bón lót một tỷ lệ phân cho cây mắc ca trồng xuống, tương tự như bón lót trồng cây cà phê. Có hàng ngàn gốc chuối trồng xen canh, khi tưới nước cho chuối là nước tự chảy qua tưới luôn cho cây mắc ca.

Cứ vậy, mắc ca lớn lên tự nhiên gần như cây rừng. chiều cao trung bình của cây trên dưới 5m. “Trước đây, tôi không nghĩ là trồng cây mắc ca trong vườn nhà mình dễ chăm sóc như vậy. Chỉ vun gốc vừa đủ cho cây bám rễ chắc khi gặp gió lớn. Quá trình phát triển của cây, chú ý bơm đúng thuốc diệt trừ sâu đục thân khi vừa phát hiện…” – ông Ba nói.

Thực tế 5 năm qua, trong khi chờ mắc ca đậu trái, ông Ba đã thu bán chuối La Ba xen canh mỗi năm từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Hứa hẹn hàng vạn cây mắc ca mùa sau nữa

Ông Trần Vinh, Phó Giám đốc Công ty Mắt Đá, Đà Lạt, cho biết thêm, năm ngoái, công ty đã mang sản phẩm hạt khô mắc ca trồng từ vườn ông Ba ở Thạnh Mỹ, Đơn Dương đưa sang một đối tác tiêu thụ ở Mỹ phân tích. Kết quả hạt mắc ca của ông Ba trồng khá to và chắc, chất lượng đạt và vượt so với hạt mắc ca trồng từ các nước Úc, Mỹ. Đối tác này đã thỏa thuận tiêu thụ không giới hạn về thời gian và sản lượng hạt mắc ca được trồng trên đất cao nguyên Lâm Đồng.

Ông Trần Vinh đưa phóng viên đến vườn mắc ca rộng 3 héc ta, đang ra trái bói, nằm cách vườn mắc ca của ông Ba trên dưới một cây số. Mắc ca ở đây trồng thẳng tắp, cây cách cây và hàng cách hàng khoảng 5m. Cây phát triển khá đều với độ cao khép tán từ 2m trở lên, nhiều cây ra những chùm trái bói đung đưa trên cành. Bên dưới cây là những luống rau xanh trồng xen trên nền đất tơi xốp, ẩm ướt.

Theo ông Vinh, đây là giống mắc ca ghép của Công ty Mắt Đá, được chăm sóc với kỹ thuật đặc biệt hơn nên chỉ mới trồng hơn 3 năm đã thu trái bói, sớm hơn 1 năm so với mắc ca của ông Ba, mỗi cây có thể thu từ 1 – 2 kg khô trái bói. Dự tính đến giữa năm 2012, diện tích 3 héc ta mắc ca này sẽ vào mùa thu rộ đầu tiên, năng suất mỗi cây có thể thu gần 10 kg hạt khô. Trong các năm 2007, 2008, 2009, Công ty Mắt Đá, Đà Lạt cũng đã trồng và chăm sóc xanh tốt gần 50 héc ta cây mắc ca tại xã Phi Tô, Lâm Hà; mỗi héc ta trồng từ 400 cây đến 500 cây.

Cũng theo số liệu của ông Vinh, đến cuối tháng 6/2011, Công ty Mắt Đá, Đà Lạt, đã thỏa thuận hợp tác với hàng trăm hộ nông dân các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông… để trồng hàng trăm héc ta mắc ca sai quả xen canh với cà phê. Hình thức hợp tác ban đầu là: Bên nông dân góp diện tích đất và một phần công chăm sóc, bảo vệ.

Bên công ty cung cấp giống, cải tạo đất, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu; kỹ thuật trồng, công chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tùy theo vị trí đất sản xuất, tỷ lệ ăn chia theo sản lượng từ 30% đến 40% thuộc về phần nông dân; và từ 60% đến 70% thuộc về phần công ty. Mọi thiệt hại trên cây mắc ca trong quá trình sinh trưởng đều do công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Riêng toàn bộ hoa lợi trồng xen canh với cây mắc ca, hoàn toàn thuộc về quyền thu hoạch của nông dân.

Dự kiến trong tháng 10, tháng 11/2011, hợp tác giữa công ty và nông dân sẽ bắt đầu triển khai xuống giống. Về hiệu quả kinh tế trồng mắc ca hàng năm, Công ty Mắt Đá, Đà Lạt đưa ra những phép tính khá hấp dẫn: Với giống ghép mới, mắc ca trồng mỗi héc ta trồng từ 400 cây đến 500 cây. Trồng sang năm thứ 4 ở Lâm Đồng, thu hoạch hạt khô mỗi cây trên dưới 10 kg. Từ năm thứ 5 đến năm thứ 8, sản lượng mỗi cây sẽ tăng lên đến 30 kg. Đến năm thứ 10 trở đi, tỷ lệ không nhỏ số cây sẽ thu đạt đỉnh 100 kg.

Công ty cam kết thu mua với giá sàn tối thiểu mỗi kg là 200 ngàn đồng, nhân với sản lượng trên, thì việc thu về bạc tỉ đối với nông dân hợp tác cùng Công ty Mắt Đá trồng mắc ca là điều không còn nằm ở ước mơ nữa.

[dt_quote type=”blockquote” font_size=”normal” animation=”none” background=”plain”]

Cây mắc ca (Macadamia) là loại cây quả khô quý hiếm có nguồn gốc từ Úc. Nhân mắc ca là loại thực phẩm cao cấp có hàm lượng dầu tới 78%, vỏ cũng có thể dùng để thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi. Qua trồng khảo nghiệm cho thấy: cây mắc ca ghép trồng đến năm thứ 12 – 15 năng suất đạt khoảng 3 tấn hạt/héc ta, nhân đạt khoảng 1 tấn/héc ta; đến thời kỳ định hình năng suất có thể đạt tới 5 tấn hạt/héc ta, nhân đạt 2 tấn/héc ta tạo ra giá trị khoảng 20.000 đô la/héc ta/năm, cao hơn nhiều loại cây trồng khác.

Hiện nay, cây mắc ca đang được phát triển nhanh trên phạm vi toàn cầu với sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Dự báo nhu cầu về loại quả này có thể lên tới 400.000 tấn/năm. Mặc dù các cơ quan khoa học trong nước đều thống nhất mắc ca cho giá trị cao nhưng nhiều chuyên gia trong nước còn lo ngại về khả năng trồng phổ biến giống cây này do những yêu cầu khắt khe về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và chi phí đầu tư cao.

Mắc ca sai trĩu quả cần chọn đất màu mỡ, tơi xốp, thoát nước tốt, tầng canh tác trên 1,5 mét; những vùng có nhiệt độ bình quân tháng rét nhất vào mùa đông khoảng 14 độ C là thích hợp cho sự phát triển của cây. Ở Việt Nam khả năng vùng thích hợp nhất cho giống cây này là Tây Bắc, vùng cao các tỉnh Tây Nguyên. (Trích Hội thảo về “Thực trạng và triển vọng phát triển cây Mắc ca ở Việt Nam” do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia tổ chức tại Hà Nội năm 2008).

Theo Báo Lâm Đồng (Sfarm.vn tổng hợp)

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết