HỒ TIÊU TRÊN XỨ MÌ

151 lượt xem

Trước đây thôn Hội Phú, xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn-Bình Định) được mệnh danh là xứ mì (sắn) bởi có đến 500 ha trồng mì gắn với nghề chế biến các sản phẩm từ mì. Thế nhưng bây giờ Hội Phú còn là vùng trồng hồ tiêu nổi tiếng – Gọi là tiêu xứ mì.

Làm mướn học nghề

Năm 2003, khi vợ chồng anh Nguyễn Tình (SN 1967) ở Hội Phú tay nải tay xách lên huyện Chư Sê (Gia Lai) làm mướn kiếm tiền nuôi con ăn học, không ai ngờ có ngày vợ chồng anh mang về quê 1 loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, đó là hồ tiêu. Và bây giờ, hồ tiêu đang phát triển mạnh trên vùng đất bán sơn địa này và giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Qua 5 năm làm mướn trong các trang trại hồ tiêu lớn ở Chư Sê, anh Tình rất mê hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này mang lại, đầu ra lại khá ổn định. Ngày ngày tiếp xúc với đất trồng hồ tiêu ở Chư Sê, anh Tình nhận ra chất đất ở đây chẳng khác gì so với vùng đất Hội Phú. Từ đó, anh ôm giấc mơ có ngày mình sẽ là chủ nhà vườn hồ tiêu ngay trên đất quê mình.

Để thực hiện giấc mơ của mình, anh Tình vừa làm, vừa âm thầm học hỏi kinh nghiệm trồng tiêu của các chủ nhà vườn giàu kinh nghiệm. Năm 2008, sau khi dành dụm được ít vốn liếng, anh Tình quyết định trở về quê, vợ chồng anh bắt tay cải tạo gần 4.000 m2 diện tích đất gò đồi trồng mỳ kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu.

Gò đất trồng mì nhiều tảng đá lớn

Gò đất trồng mì nhiều tảng đá lớn

“Để cải tạo được vùng đất này quả là mướt mồ hôi, bởi xen lẫn trong đất là nhiều tảng đá to đùng. Hồi đó, để đào được một hố trồng tiêu, vợ chồng tui phải đổ mồ hôi cục suốt cả ngày trời. Cơ cực nhưng không nản lòng, tụi tui quyết tâm làm cuộc đổi đời bằng cây hồ tiêu. Đến khi tay của 2 vợ chồng chai sần đến không còn biết đau thì vườn tiêu hình thành”.

Theo anh Tình, dùng trụ bê tông làm trụ tiêu tuy vốn đầu tư ban đầu có cao hơn so với dùng trụ gỗ hoặc trồng cây sống, nhưng thời gian sử dụng lâu dài, trụ tiêu có thể trụ vững trong mưa, dưới nắng. Người trồng yên tâm không lo trường hợp trụ tiêu ngã đổ bất ngờ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của cây tiêu.

Ngoài ra, dùng trụ bê tông còn tiết kiệm được không gian ánh sáng, giúp cho người trồng dễ quan sát, phát hiện sâu bệnh hại trên tiêu. “Mỗi sào 500 m2 nếu sử dụng trụ bê tông làm choái, có thể trồng được từ 100 – 120 trụ, nhiều gấp rưỡi lần so với dùng trụ gỗ hoặc cây sống làm trụ”, anh Tình nói.

Đất cằn nở hoa

Người có công, đất không phụ lòng. Sau 5 năm “chúi đầu” vào vùng đất khô cằn, bây giờ vợ chồng anh Tình đã có trong tay vườn tiêu xanh mướt với 1.500 trụ. Cây tiêu trồng trên đất Hội Phú phát triển tốt, cho trái sai chẳng khác được sống trên vùng đất Chư Sê, chất lượng hạt tiêu cũng ngon không kém.

Hồ tiêu xứ mì

Hồ tiêu xứ mì

Mô hình trồng tiêu của anh Tình nhanh chóng lan nhanh khắp làng Hội Phú, sau đó lan sang vùng đất đồi Hội Thạnh, Sơn Cây. Với gần 1.200 trụ tiêu cho thu hoạch từ 3 năm nay, mỗi vụ vợ chồng anh Tình thu được trên 1 tấn tiêu hạt, thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng.

Đây là khoản thu nhập mà trước đây, dù có mơ vợ chồng anh Tình cũng không dám nghĩ đến. Đó là chưa kể đến khoản thu hàng chục triệu đồng từ bán hom giống hàng năm. Áp dụng các tiến bộ KHKT học được từ thủ phủ của cây tiêu Chư Sê, cộng với sự dày công chăm sóc, nên trong suốt 5 năm qua, vườn tiêu của anh Tình chưa từng bị bệnh hại tấn công.

Ngày ngày đi qua vườn tiêu xanh mướt của anh Tình, nhiều nông dân ở Hội Phú không cầm được lòng mong muốn được học tập kinh nghiệm để làm theo. Anh Tình sẵn lòng. Từ năm 2009 đến nay, chỉ riêng trên địa bàn thôn Hội Phú đã có đến 70 hộ đến tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình trồng tiêu của anh Tình, sau đó mua giống về trồng.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Hoài Hảo, toàn xã có khoảng trên 80 ha đã được chuyển đổi sang trồng hồ tiêu với gần 16.000 trụ. Đã có nhiều hộ thành công với hồ tiêu tại xứ mì, hiện có thu nhập cao hơn, chí ít cũng bằng mức thu nhập của vợ chồng anh Tình như hộ ông Nguyễn Văn Lượng, Võ Văn Đồng, Trần Bình, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Đức Túc…

“Trong bối cảnh nghề chế biến bột mì ở xã Hoài Hảo đang suy thoái vì không đủ sức tranh mua nguyên liệu với các nhà máy, công nghệ chế biến gây ô nhiễm thì cây hồ tiêu đã mang lại cho nông dân nơi đây hướng làm ăn hiệu quả”, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo.

Đình Vũ (Báo NNVN) Sfarm.vn tổng hợp

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết