CÁCH XỬ LÝ LAN MOKARA ĐEM BÁN TẾT

335 lượt xem

Nếu muốn hoa lan mokara Tết nở đúng thời điểm, thời gian xử lý từ trung tuần đến cuối tháng 10 âm lịch. Phương pháp xử lý chủ yếu là cân đối lượng phân bón lá và phân bón gốc

Hoa lan Mokara được người dân sử dụng rất nhiều, đặc biệt là Tết cổ truyền. Vào mùa mưa cây Mokara phát triển tốt, hoa ra nhiều, ai cũng trồng được, bán giá thấp. Mùa khô từ tháng 10 âm lịch trở đi, trời ít mưa, nhiệt độ thấp, cây Mokara chậm phát triển, hoa nở ít, giá bán rất cao. Những năm gần đây, một số bà con ở CLB hoa lan cây kiểng xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM đã biết xử lý để hoa nở vào dịp Tết, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là hộ ông Kiều Lương Hồng (ở ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM), ông không chỉ xử lý cho hoa ra đúng thời điểm, mà còn là người đi tiên phong trong việc nhân giống hoa Mokara cung cấp cho thị trường.

hoa lan Mokara Tet-phantrunque

Qua nhiều năm gắn bó với cây lan Mokara, ông Hồng rút ra được nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ với bà con: Việc xử lý cho hoa ra tập trung chỉ áp dụng cho cây lan từ 1 năm tuổi trở lên, cây cao từ 80 cm – 1m. Không giống các loại cây khác khi xử lý phải xiết nước, cây lan vẫn xịt nước tưới bình thường. Nếu muốn hoa nở tập trung để bán Tết, thời gian xử lý từ trung tuần đến cuối tháng 10 âm lịch (xử lý trước khi thu hoạch 2 tháng).

Phương pháp xử lý chủ yếu là cân đối lượng phân bón lá và phân bón gốc, để kích thích phân hoá mầm hoa. Dùng phân bón lá 6 – 30 – 30 hoặc 10 – 50 – 10, có thể sử dụng thêm phân trùn quế, phân bón rong biển, giúp cho hoa mập và dài sẽ tăng giá trị khi bán.

Phân bón gốc: Khi cây lan đã có bộ rễ phát triển tốt và ăn sâu xuống lớp giá thể vỏ đậu phộng, tiến hành rải phân bón gốc, có thể dùng phân hữu cơ sinh học + bánh dầu đậu phộng + phân lân bón mỗi gốc Mokara (bón giai đoạn sinh trưởng); giai đoạn ra hoa: bón định kỳ mỗi tháng 1 lần, phun NPK 20 – 20 – 20 phun tuần 2 lần. Sau đó các tuần tiếp phun 30 – 10 – 10 như các đợt khác. Hiện nay vườn lan của ông Hồng có trên 6.000 cây Mokara, một tháng vừa bán hoa, vừa cây giống, thu nhập trên 20 triệu đồng, ngoài ra ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 2 – 3 triệu đồng/tháng. Để phát triển thêm diện tích ông đã mạnh dạn san lấp 2.000m2 ao nuôi cá, đầu mùa xuân này ông sẽ hạ cây giống.

Tương tự, khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng của TP, chị Thái Thị Điển, quê ở huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, lên mua được 1,5ha đất ruộng cũng ở ấp 2, xã Tân Kiên, mạnh dạn san lấp ruộng lúa, trồng 40.000 cây Mokara và 200.000 cây Dendro bium, chị cho biết: Hiện nay vốn đầu tư để trồng 1.000m2 lan Mokara vẫn còn hơi cao, nhưng loại hoa này là cây mau gỡ lại vốn nhất. Cây giống của chị chủ yếu là cây cấy mô, mua ở Trung tâm Sinh học TPHCM, vườn lan đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, cho nên thu nhập còn thấp, dự kiến sang năm vườn lan cho thu nhập cao hơn. Cùng suy nghĩ với chị Điển, ông Kiều Tín Ngưỡng, người cùng xã, cũng san lấp đất ruộng lúa kém năng suất, chuyển qua trồng lan Mokara với diện tích 3.000m2.

Ông Ngưỡng tâm sự: Gia đình có tới 4 đời làm ruộng, nhờ chủ trương chuyển đổi cây trồng, ông được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Hội nông dân Thành phố (3 năm không phải trả lãi suất) và 15 triệu vốn hỗ trợ nông dân của huyện, ông đầu tư giàn lưới, cây giống, hệ thống tưới nước… Đến nay ông đã trồng được trên 7.000 cây Mokara, đã cho thu hoạch tốt. Ông Ngưỡng cho biết: Nếu so sánh trồng lan và trồng lúa thì trồng lan cho thu nhập cao gấp 10 lần và nhàn hơn nhiều, không phải nắng mưa, chân lấm tay bùn. Nếu trồng diện tích nhiều thì ngày nào cũng có thu nhập, nhờ trồng lan cắt cành gia đình ông đã xây được nhà xây trị giá 300 – 400 triệu đồng.

Theo nongnghiepvietnam

=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé!
Đánh giá bài viết